COVID-19 thay đổi nhiều mô hình kinh doanh, thị trường và thói quen tiêu dùng, các doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất là những nơi áp dụng công nghệ và chuyển đổi số hiệu quả nhất.
Trong phiên thảo luận Phát triển nền kinh tế số tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu từ nhiều lĩnh vực cùng chia sẻ về con đường phục hồi và phát triển, xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên sức mạnh công nghệ.
Ông Đào Thế Vinh, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) chia sẻ, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp khởi đầu từ những bước cơ bản như quản lý khách hàng, doanh thu..., sau đó phát triển những phần mềm ứng dụng theo nhu cầu đặc thù.
Qua 2 năm chuyển đổi số, doanh nghiệp đã quản trị tốt trên cơ sở dữ liệu, vận hành trải nghiệm khách hàng thuận lợi hơn... với những giải pháp, công cụ tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EQuest Education cho hay, trước dịch COVID-19 doanh nghiệp đã có chiến lược xác định chuyển đổi số là giải pháp sống còn; trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ và phát triển nội dung số. Bên cạnh đó, phát triển những nền tảng quản trị và vận hành chuyển đổi số, khai thác triệt để hiệu quả của chuyển đổi số.
Các diễn giả cùng Host Nguyễn Phi Vân trong phiên thảo luận. |
Để thành công trong chuyển đổi số thì vai trò lãnh đạo rất quan trọng và sự cộng hưởng của tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Điển hình trong lĩnh vực giáo dục muốn chuyển đổi số thì phải tuyên truyền nội bộ và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữ các phòng, ban cũng như toàn bộ doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp đã có 25 năm phát triển trên thị trường, Tập đoàn Masan chọn theo đuổi con đường không chỉ tạo giá trị cộng hưởng thúc đẩy hệ sinh thái số, mà còn đảm bảo các chỉ tiêu lợi nhuận khi nhân rộng quy mô.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cho rằng, họ không có bí mật gì trong quá trình chuyển đổi số và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nên sử dụng công nghệ nào phù hợp, xoay quanh nhu cầu của khách hàng.
“Chúng tôi không muốn bị kéo theo những công nghệ, những mỹ từ phức tạp mà tập trung vào bài toán mình cần giải trước khi xác định nên chọn công nghệ nào cần sử dụng,” ông Danny Le chia sẻ.
Riêng ở lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Tiên Phong (TP Bank) chỉ ra rằng, xây dựng hệ sinh thái số thì người dùng sẽ được lợi từ giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp. Hiện tại, có hơn 95% giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng là trên nền tảng số, số còn lại là tại mạng lưới giao dịch vật lý ở hệ thống giao dịch.
Hệ sinh thái số là yêu cầu bắt buộc chứ không còn là xu hướng và bằng việc xây dựng hệ sinh thái của cộng đồng doanh nghiệp cung ứng phong phú sản phẩm, dịch vụ liên kết... đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng có xu thế lựa chọn tiêu dùng ở những đơn vị cung ứng chuỗi toàn diện.
Bởi hệ sinh thái số mang lại cho khách hàng đa dạng tiện tích và mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng, dẫn đến doanh nghiệp giữ được khách hàng và mở rộng thị trường cho đối tác của doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái số.
Một số doanh nghiệp khác cho rằng, chuyển đổi số cần bắt đầu từ nội bộ, nhất là vai trò của người lãnh đạo cần trở thành người lãnh đạo số. Vì chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ thông tin mà trên toàn hệ thống trong nội bộ và tiếp theo mở rộng từng bước ra khách hàng.