Học sinh lớp 12 hack Facebook chiếm đoạt 10 tỷ: Xử sao?
(Kiến Thức) - Sự việc học sinh lớp 12 cầm đầu đường dây hack Facebook để chiếm đoạt 10 tỷ đồng đang khiến dư luận bàng hoàng. Vậy với hành vi phạm pháp của mình, nam sinh này sẽ bị pháp luật xét xử thế nào?
Liên quan tới vụ
nam sinh lớp 12 cầm đầu đường dây hack Facebook, ngày 2/6, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Xuân Thái (18 tuổi, học lớp 12 THPT, trú tại tỉnh Quảng Trị) cùng 6 bị can khác về hành vi Sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
|
Các bị can trong vụ án làm việc với cơ quan Công an. |
Khi bị bắt, Phạm Xuân Thái đang là học sinh lớp 12, dư luận đặt câu hỏi: Vậy với hành vi vi phạm pháp luật, nam sinh này sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp thì đối tượng Thái trong vụ án này là kẻ có tài nhưng không sử dụng tài năng của mình góp ích cho xã hội mà lại sử dụng khả năng đặc biệt của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác.
"Có lẽ ít những đứa trẻ nào còn học phổ thông trung học mà có khả năng lập trình, thành thạo công nghệ thông tin đến vậy. Không những thế đối tượng còn thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các phương tiện điện tử một cách hết sức tinh vi, nạn nhân đến hàng 100 người và số tiền chiếm đoạt đến hàng chục tỷ đồng là những con số rất bất ngờ về hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, vai trò của từng đối tượng và hậu quả xảy ra để xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật" - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo tài liệu cơ quan điều tra, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh theo quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015. Vi phạm tội của các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác là trưc tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức thông qua việc sử dụng công cụ là mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm hại trật tự an toàn công cộng.
Các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng của các bị hại, bởi vậy, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4 của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Với những đối tượng chưa đủ 18 tuổi thì sẽ được áp dụng quy định về người chưa thành niên phạm tội, mức hình phạt sẽ không quá 18 năm tù. Cụ thể Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định áp dụng hình phạt tù có thời hạn Với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Hiện vụ học sinh lớp 12 hack Facebook chiếm đoạt 10 tỷ đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cũng phải tuân theo các nguyên tắc mà Điều 91 bộ luật hình sự đã quy định, cụ thể như sau:
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
>>> Xem thêm video: Học sinh lớp 12 cầm đầu băng nhóm chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng qua Facebook