Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho biết cây cầu dài 55 km, bị một số phương tiện truyền thông địa phương gọi là "cây cầu tử thần", đã lấy mạng khoảng 20 công nhân và làm bị thương hơn 500 người trong quá trình xây dựng.
Vào ngày 23-10, cây cầu trị giá 20 tỉ USD và mất hơn 10 năm xây dựng đã chính thức được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khánh thành.
Trả lời phỏng vấn đài ABC, ông Taison Chang Ka-tai, chủ tịch tổ chức bảo tồn cá heo Hồng Kông, cho biết số lượng cá heo hiếm ở vùng biển Hồng Kông đã giảm hơn 40%, từ trung bình 80 con được bắt gặp vào năm 2012 xuống còn 47 con vào năm 2017.
Ông Chang cho rằng ảnh hưởng từ dự án xây cầu đến số cá heo được phản ánh rõ ràng trong sự phân bố của loài động vật này trong khu vực. "Trong quá trình xây dựng cầu, có thể thấy cá heo ở vùng đảo Lantau phía Bắc gần như biến mất hoàn toàn. Đây là khu vực nằm gần công trình nhất" - trích lời ông Chang.
Một con cá heo nhảy lên khỏi mặt nước trước cầu Hồng Kông - Chu Hải - Macau. Ảnh: Bobby Yip |
Bất chấp tình trạng trên, một báo cáo trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định việc bảo vệ loài cá heo trắng được mệnh danh là "gấu trúc đại dương của Trung Quốc" được ưu tiên hàng đầu. Trang web của cơ quan phụ trách cầu Hồng Kông - Chu Hải - Macau viết họ đã chi 68 triệu USD để bảo vệ cá heo.
Theo lời ông Chang, dù Cục Bảo vệ Môi trường Hồng Kông có đưa ra những biện pháp giảm thiểu tác động, ví dụ như ngừng thi công trong 30 phút khi phát hiện cá heo nhưng biện pháp này tỏ ra không hiệu quả.
"Sau khi thấy các giải pháp đó không có tác dụng, họ cũng không làm gì để giúp số lượng cá heo tăng trở lại hay ngừng công trình trong một khoảng thời gian để xem liệu có thể cải thiện tình hình của môi trường biển không" - ông Chang lên án.
Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã bình luận trên tài khoản Weibo của họ rằng cá heo trắng "nhảy múa xung quanh cây cầu" vào ngày khánh thành như thể đang "chúc mừng ngày sinh" của công trình này. Ông Chang gọi những bình luận trên là "nực cười" vì loài cá heo vẫn thường ló đầu lên khỏi mặt nước để thở.