Nghe hàng xóm nói, anh đã thành lập công ty riêng chuyên về sửa chữa đồ điện tử. Công ty mới mở hơn một năm đã tạo được uy tín và hài lòng của khách hàng. Em nghe mà lòng vui như thế đó là thành công của mình. Vậy là cuối cùng anh đã thực hiện được giấc mơ ngày xưa, chỉ có điều trong giấc mơ đó không còn có em nữa…
Anh là thợ làm bánh lâu năm nhất ở xưởng sản xuất bánh in của nhà ngoại em. Em vẫn còn nhớ rõ cậu bé rụt rè ngày ấy, làm việc rất chăm chỉ, thành thạo nhưng lúc ngồi vào bàn ăn cơm chỉ ăn vỏn vẹn một chén cơm trắng chan xì dầu rồi vội vàng ra gốc cây mận ngồi làm chỗ nghỉ trưa. Một lần bà ngoại nấu chè, kêu em múc chè mang lên gác cho cậu nhóc lầm lầm lì lì là anh. Lúc đó là 8 giờ tối, những người thợ làm bánh khác đã đi chơi hết, chỉ còn anh nằm úp mặt xuống sàn nhà, chăm chú đọc đọc, viết viết gì đó. Em tinh nghịch tới gần, giật cuốn vở mới biết hóa ra anh đang làm toán lớp 11. Mặt anh đỏ lên, giọng nói nghèn nghẹn pha lẫn chút trách móc: “Nhi đừng làm như vậy” rồi chạy ra gốc mận ngồi. Đó là lần đầu tiên anh nói chuyện với em sau 6 tháng vào làm bánh. Em ngờ ngợ, anh đã biết tên em từ khi nào nhỉ?
Ảnh minh họa. |
Trong bữa cơm, em cố tình bới cho anh một tô cơm to bỏ sẵn thật nhiều đồ ăn rồi nói: “Nếu thích, D cứ ra gốc mận ngồi ăn, nhưng nhất định phải ăn cho hết nghen”. Tối tối, tranh thủ lúc anh đi tắm giặt, em mang sách tham khảo mua ở hiệu sách cũ để trên gối. Những lúc rảnh rỗi em xuống chỗ làm bánh phụ ngoại, cố tình kể vài truyện cười để mong nhìn thấy một nụ cười trên gương mặt của anh. Em cũng không biết tại sao em làm như vậy, có điều gì đó cứ thôi thúc trong lòng khiến em không thể nào ngừng quan tâm tới anh.
Vậy mà anh vẫn thờ ơ, lạnh nhạt, đến cả cái nhìn khi lướt qua nhau anh cũng chẳng thèm. Rồi một lần em đang nấu cơm dưới bếp, loay hoay thế nào lại bị dao cắt vào tay một nhát sâu chảy máu. Lúc em đang rơm rớm vì đau mà không biết làm thế nào, anh xuất hiện như một vị cứu tinh, lấy rau tía tô trong rổ bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi đắp vào vết thương cho em. Em sững sỡ, giật tay lại. Anh nhăn mặt, vẻ đầy lo lắng: “Vết cắt sâu quá, đắp lá này vô cho cầm máu đỡ”. Em biết anh không lạnh nhạt với em như vẻ ngoài đâu mà.
Từ đó, những người thợ làm bánh thường thấy em lẽo đẽo theo anh, cùng làm, cùng học, cùng chơi, cùng đọc sách. Trong một lần cùng nhau leo lên mái nhà ngắm trăng sao, lúc đó chỉ còn vài tháng nữa là em thi đại học, anh kể cho em nghe về giấc mơ vào học trường Đại học Bách khoa, về giấc mơ trở thành một kỹ sư cơ khí. Mắt anh sáng lấp lánh như ngôi sao tuyệt đẹp trên bầu trời. “Bây giờ D chỉ muốn trả hết nợ nần cho mẹ, đi học bổ túc văn hóa rồi học nghề sửa đồ điện. Sau đó, D sẽ tích góp tiền để mở một tiệm sửa đồ điện ngay ngã tư kia kìa. Vừa nói, tay anh vừa chỉ về phía con đường trước mặt. Em không nhìn con đường đó, em chỉ nhìn anh, buột miệng hỏi: “Trên con đường của D có chỗ dành cho Nhi không? Anh quay lại, vẻ mặt nhìn em đầy u uẩn rồi bỏ đi, để lại em với khoảng trời mênh mông trước mặt.
Giờ thì, sau 10 năm, em đã có câu trả lời cho mình. Sáng nay, bà ngoại chìa cho em tấm thiệp cưới màu hồng của anh. Những kỉ niệm thuở nào ùa về trong em. Câu hỏi ngày xưa anh hỏi trước lúc tiễn em lên xe xuống Sài Gòn học vẫn còn văng vẳng đâu đây: “D biết, Nhi đối với D chỉ là thương hại mà thôi, đúng không? Lúc đó, em đã không thể gạt qua tự ái trẻ con để trả lời anh rằng: “Em thích anh, là thích, chứ không phải thương hại”, để giờ đây em có nói điều gì cũng đã muộn màng rồi.