Núp bóng từ thiện, có biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo
Câu lạc bộ Tình người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, không phải là tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nhưng thời gian qua đã bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc núp bóng từ thiện, có biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và trục lợi…
Đáng chú ý, câu lạc bộ này với danh nghĩa từ thiện đã lôi kéo hàng chục nghìn thành viên tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong số đó, không ít người là giới trí thức, có địa vị trong xã hội, thậm chí cả cán bộ, doanh nhân.
Để trả lời câu hỏi, vì sao một câu lạc bộ có biểu hiện tuyên truyền mê tín dị đoan lại thu hút số lượng thành viên tham gia lên tới con số hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, trong đó có không ít người trí thức, có địa vị xã hội cũng lạc trong u mê không khó.
CLB Tình Người núp bóng thiện nguyện để rao giảng mê tín, dị đoan. |
Câu lạc bộ Tình người được giới thiệu là một tổ chức thiện nguyện với nhiều hoạt động ý nghĩa như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho cựu thanh niên xung phong, tài trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em nghèo. Từ những lời giới thiệu trên đã tạo thiện cảm ban đầu cho nhiều người. Khi họ tham gia câu lạc bộ, đều được chia sẻ những giá trị tích cực từ những hoạt động từ thiện, rao giảng những điều phước đức, đạo đức, trí tuệ.
Từ những lý thuyết đúng với thực tế dựa trên những giáo lý của Phật giáo, lý thuyết của Đạo Khổng, những lời nói của Khổng Tử và những lời dạy của cha ông ta để lại từ xưa đến nay đến những hoạt động từ thiện đã gieo vào đầu các thành viên niềm tin và lý tưởng cùng những điều trong cuộc sống khi “luôn chịu thiệt về mình, cho đi là còn mãi”.
Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm khởi đầu để dẫn dắt các thành viên vào những nội dung tuyên truyền về các vấn đề mê tín, đặc biệt là về thế giới tâm linh, vong linh như buổi tối không nên ra ngoài vì ban đêm vong lên, không nên đọc kinh nhà Phật không nên gõ mõ vì vong sẽ theo... rất nhiều vấn đề khiến người ta rơi vào sợ hãi. Từ đó, câu lạc bộ dẫn dắt các thành viên vào các câu chuyện duyên, nghiệp và phải giải nghiệp bằng cách quyên góp tiền cho câu lạc bộ, có dấu hiệu trục lợi.
"Phải tỉnh táo trước khi tham gia bất cứ hội nhóm nào"
Lý giải về việc một câu lạc bộ như Tình người lại có thể lôi kéo hàng chục nghìn thành viên tham gia, không ít trong số đó là những người trí thức, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khi trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống cho rằng, đây là một tổ chức hoạt động phi pháp, lợi dụng các yếu tố tín ngưỡng tâm linh để trục lợi, do lợi dụng triệt để yếu tố từ thiện, yếu tố về mặt tâm linh nên lượng người tham gia rất đông.
“Có thể nói đây là hội phi chính thức mang tính lừa đảo rất cao. Hệ quả của nó rất nặng nề đối với nhiều tầng lớp trong xã hội. Riêng về mặt tâm linh, kể cả trí thức hay người dân, bất kể tầng lớp nào nếu không nhận thức đúng thì vẫn dễ sa vào vòng luẩn quẩn của các yếu tố tâm linh” - PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, người Việt có truyền thống nặng về tâm linh và luôn có sự cả tin. Người ta cho rằng, các yếu tố về mặt tâm linh liên quan đến thánh thần thì không ai trục lợi nhưng trong thời đại ngày nay, đặc biệt trong cơ chế thị trường, những kẻ lợi dụng tâm linh để trục lợi sẽ làm bất cứ cách nào để lôi kéo đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hơn nữa, như câu lạc bộ Tình người đã được một tổ chức hội liên quan công tác từ thiện tặng bằng khen nên có thể lợi dụng việc này để quảng bá, thu hút các thành viên. Từ đó, khiến không ít người đặt niềm tin, tham gia câu lạc bộ này.
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, người dân, đặc biệt là những người trí thức tham gia vào tổ chức nào là quyền của họ nhưng họ phải có trách nhiệm nhìn nhận tham gia tổ chức nào, có lợi, có hại gì hay vi phạm gì đến luật pháp hay không?
“Anh tham gia tổ chức nào là quyền của anh nhưng phải không vi hiến, không vi phạm luật. Giai đoạn đầu tham gia có thể chưa rõ hoạt động nên đáng ra phải tìm hiểu kỹ các hoạt động của tổ chức ấy có đúng mục đích ban đầu đề ra, có vi hiến hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Khi nhận thấy những dấu hiệu không bình thường như tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh có dấu hiệu trục lợi thì cần phải ra khỏi tổ chức đó” - PGS. TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
GS Sử học Lê Văn Lan nêu hiện tượng lợi dụng tôn giáo và tín ngưỡng để dụ dỗ con người sa vào u mê, lầm lạc.
Lý giải việc CLB Tình Người hay những tổ chức tâm linh đa cấp lừa đảo thu hút được nhiều người có học hành, hiểu biết và có địa vị trong xã hội, GS Lê Văn Lan cho rằng, những tổ chức này đã vận dụng khéo léo, tinh vi và quỷ quyệt kỹ thuật chinh phục đám đông hiện đại.
GS Lê Văn Lan lấy ví dụ: “Chúng tôi đi tìm hàng ăn, thấy hàng nào có nhiều xe bên ngoài, tức là đông, tức là ngon. Hiệu ứng đám đông buồn cười như thế. Nếu nó ứng dụng vào kinh doanh là bán hàng đa cấp, hiệu quả rất lớn nhưng hậu quả rất khủng khiếp. Hiệu ứng đám đông đã được vận dụng và chinh phục nhiều người, cả người có trình độ cũng không thoát ra được là vậy".
Từ đó, ông cho rằng, những người trót tham gia tổ chức tâm linh đa cấp, họ có đủ hiểu biết, nhận thức nhưng càng ngày càng lún sâu. Nhưng những người này tay trót nhúng chàm, đã theo đám đông, nếu dũng cảm lộn trở lại thì sẽ mang tiếng phản bội. Không chỉ vậy, các hội kín còn có những kỷ luật mà thời trung cổ đã xuất hiện, sẽ trừng trị, theo dõi hội viên, làm đủ chuyện như đe doạ bằng những giáo điều, giáo lý. Chính vì thế, dù người tỉnh ra nhưng vì việc tuyên truyền, sử dụng hiệu ứng đám đông của các hội nhóm khiến người tham gia không thoát được.
“Những người bị "tẩy não" thường không hiểu rõ thế nào là tâm linh, thế nào là nghiệp, thế nào là vong. Họ có thể thành thạo trong việc kinh doanh nhưng chưa đạt tới tiêu chuẩn của những người doanh nhân hiện đại là phải hiểu biết thấu đáo. Đây là những người hiểu biết nhưng là hiểu biết vụn vặt và hiểu biết hình thức phiến diện, khi gặp phải những quyển sách nói toàn những chuyện cao siêu, ghê gớm thì sẽ bị thuyết phục” – GS Lê Văn Lan nêu ý kiến.
GS Lê Văn Lan cho rằng, để người u mê trở về cuộc sống bình thường, mọi người cần tự giác nâng cao sự hiểu biết của mình, trí tuệ của mình.
"Ngôn ngữ của đạo Phật nhấn rất kỹ đến chữ tuệ. Đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là nhìn cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người hãy theo lời dạy của Phật, đề cao và nhắc nhở mình, tự rèn luyện chữ tuệ trong tất cả các lĩnh vực, từ tâm cho đến sự hiểu biết. Chúng ta thực hành tín ngưỡng, đi lễ chùa, thờ Thánh ở đền, chúng ta đi cầu nguyện cho bản thân, cho sự tu tập, cho xã hội, đồng bào, cho những người có thân phận không tốt đẹp… Tất cả những điều ấy nên đặt vào bối cảnh chung, cũng như bối cảnh của từng người. Hãy có trí tuệ, bên cạnh cái tâm tốt đẹp nên có tuệ. Có tuệ và có tâm, khi đi lễ, làm việc thiện hay đi nghe giảng đạo thì sẽ tránh được sự lôi kéo, ma mị, chủ động, sáng suốt" – GS Lê Văn Lan đưa ra lời khuyên.
Đồng thời ông cho biết,rất phục ở những người đã ra khỏi CLB Tình Người, không chỉ tự nguyện đi ra, mà còn phản tính, tố giác. Đấy là biểu hiện trí tuệ. Đấy là biểu hiện của người hiện đại toàn bộ.
Hiện nay, những dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh của CLB Tình Người đang được các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, làm sao để nhiều người dân không bị lôi kéo vào nhiều tổ chức hoạt động có biểu hiện “mê tín dị đoan”, để trở thành những nạn nhân của vấn nạn trục lợi tâm linh?
>>> Mời độc giả xem video Câu lạc bộ Tình người truyền bá mê tín dị đoan
Nguồn: VTV1