Các sự vật, hiện tượng mới du nhập vào nước ta trong khi tiếng Việt vẫn chưa hoàn thiện đòi hỏi phải có những ngôn ngữ mới và từ mượn ra đời là một điều tất yếu.
Dù vay mượn tiếng nước ngoài nhưng khi sử dụng được Việt hóa về chữ viết, ngữ âm, ngữ nghĩa nhằm diễn tả một cách dễ dàng, đầy đủ các sự vật, hiện tượng mới mà tiếng Việt chưa diễn tả được một cách trọn vẹn.
Từ mượn có vai trò nhất định trong tiếng Việt. Nó bổ sung những từ còn thiếu, tạo ra một lớp từ có sắc thái khác với những từ đã có trong tiếng Việt.
Những lớp từ này thể hiện sự sang trọng, khái quát. Từ mượn còn giúp cho vốn từ của tiếng Việt trở nên đa dạng, phong phú và phù hợp với mọi thời đại.
Là một ngôn ngữ khó hơn cả "phong ba bão táp", Tiếng Việt có nhiều cách để khiến những người giỏi nhất, đọc viết nhuần nhuyễn cũng phải ngơ ngác. Cùng thử xem trình giải đố của bạn đến đâu khi hỏi nguồn gốc của cụm từ quen thuộc này không nhé:
Chúng ta thường nghe từ "cua trai" hay "cua gái" để chỉ sự tán tỉnh người nam hoặc người nữ. Nhưng tại sao lại gọi như vậy? Liệu cách dùng này có liên quan đến con cua hay không?
Nhiều người cho rằng từ này đúng là có liên quan tới con cua thật. Vì cua thì có càng, có thể kẹp chặt con mồi mà nó nhắm đến, cũng như khi tán tỉnh, người ta có thể giữ chặt và chi phối hoàn toàn đối phương vậy.
Nhưng nếu đúng như thế, sao không dùng luôn động từ "kẹp" để nói là "kẹp trai", "kẹp gái" cho rồi?
Thực tế, từ "cua" ở đây bắt nguồn từ tiếng Pháp "Faire la cour" tức là "tán tỉnh". Từ này có liên hệ tới tiếng Anh "Pay court to" với cùng một nghĩa.
Có thể từ đây mà người ta đã nhớ tới cái cưa, và hình thành thêm một cách biểu thị khác của việc tán tỉnh là "cưa đổ".
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước trong cuốn "Tiếng Việt đa dạng" còn chỉ ra những chữ "cua" gốc Pháp rất thú vị, như "cua" trong "cúp cua" bắt nguồn từ "cours" tức lớp học, (cả từ này cũng có gốc Pháp văn: couper le cours: trốn học), hay "cua" trong cắt tóc húi cua (hớt cua) lấy từ "court" nghĩa là ngắn.
Qua câu hỏi này cũng thấy được các câu đố vốn dĩ đã rất khó nhưng khi sử dụng sự suy luận từ Tiếng Việt thì còn đánh đố hơn rất nhiều. Quả thật câu nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" không sai chút nào!