Sáng 20/3, do mâu thuẫn gia đình, H.T.N. (SN 1986, trú tại bản Huổi Sét, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) đã cắt mất bộ phận sinh dục của chồng là anh N.V.H (SN 1993). Hậu quả khiến anh H. phải nhập viện trong tình trạng bị cắt cụt dương vật cùng 2 tinh hoàn, vết thương phức tạp.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi trên là hành vi cố ý gây thương tích, không chỉ xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình...Đây là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và phải bị xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Ảnh minh họa. |
Theo luật sư Cường, với những thông tin trên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lấy lời khai của nghi phạm, làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, công cụ phương tiện gây án, mục đích thực hiện hành vi và xác định hậu quả thiệt hại đến sức khỏe của nạn nhân để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích của nạn nhân để khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 bộ luật hình sự năm 2015 và củng cố hồ sơ tài liệu để tiến hành khởi tố bị can đối với người vợ của nạn nhân để điều tra theo quy định pháp luật.
Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể để xác định tỷ lệ thương tích của nạn nhân. Tùy thuộc vào dấu vết để lại và kết quả điều trị mà thương tích sẽ ở những mức độ khác nhau.
Cụ thể, với tổn thương niệu đạo mà trị nội khoa phục hồi tốt, không có di chứng, tỷ lệ thương tích từ 11% đến 15%. Trường hợp hậu quả tổn thương niệu đạo mà có di chứng hẹp niệu đạo phải nong hoặc can thiệp tạo hình, tỷ lệ thương tích từ 16% đến 45%. Với hậu quả mất cả hai bên tinh hoàn, tỷ lệ thương tích sẽ là từ 36 % đến 40 %. Với hậu quả mất một phần dương vật , tỷ lệ thương tích sẽ từ 21% đến 25%. Nếu đứt hoàn toàn dương vật, không nối lại được, đã phẫu thuật tạo hình dương vật, tỷ lệ thương tích là 31% đến 35 %. Nếu mất hoàn toàn dương vật, tỷ lệ thương tích sẽ là từ 36% đến 40 %...
Do đó, sau khi xác định những thương tích cụ thể, kết quả điều trị và khả năng phục hồi, cơ quan giám định pháp y sẽ xác định đối với từng thương tích và sẽ cộng lại theo phương pháp cộng dồn để tính tổng tỷ lệ phần trăm thương tích do hành vi trái pháp luật gây ra.
Mức độ thương tích của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào việc dương vật có nối lại được không, có để lại di chứng không, có nối ghép tinh hoàn được không và hậu quả để lại như thế nào.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cắt dương vật và tinh hoàn của nạn nhân rồi vứt đi, phải mất một thời gian rất lâu mới tìm lại được và không được bảo quản tốt, việc nối ghép sẽ khó đạt kết quả, khi đó tỷ lệ thương tích sẽ rất cao. Nếu không tìm được phần bị cắt bỏ, nạn nhân không có cơ hội phục hồi và tỷ lệ thương tích có thể sẽ ở mức cao nhất.
Tỷ lệ thương tích của nạn nhân sẽ làm cơ sở để áp dụng pháp luật, xác định khung, khoản điều luật mà đối tượng gây án sẽ bị áp dụng khi tòa án lượng hình.
Theo điều 134 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, trường hợp không thể nối được dương vật cho nạn nhân, để lại nhiều di chứng, thương tích của nạn nhân có thể sẽ trên 61 %. Khi đó, mức hình phạt mà người thực hiện hành vi phạm tội phải đối mặt là phạt tù từ 7 năm đến 14 năm theo quy định tại khoản 4, Điều 134 BLHS.
Trường hợp tìm được dương vật và tinh hoàn của nạn nhân, ca phẫu thuật thành công, để là ít di chứng, thương tích được cộng dồn cũng sẽ khoảng từ 31% đến 60%, khi đó người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm theo khoản 3, Điều 134 BLHS.
Ngoài ra, với hành vi cắt của quý của chồng, có lẽ hôn nhân sẽ tan vỡ, nếu ca phẫu thuật không thành công mà sau khi chấp hành xong hình phạt, người phụ nữ trở về và hai người có chung sống với nhau, "nạn nhân" sẽ là cả hai vợ chồng chứ không riêng gì người đàn ông đó, họ sẽ không thể thỏa mãn được nhu cầu sinh lý, hạnh phúc sẽ không trọn vẹn...
Luật sư Cường cho rằng, thông thường hành vi cắt của quý của chồng, của tình địch sẽ có nguyên nhân từ mâu thuẫn tình ái. Đây là hành vi trả thù tàn nhẫn vào vị trí mà hung thủ cho rằng là nguyên nhân, khởi đầu của mọi chuyện xấu xa. Hành vi này không chỉ gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân mà còn có thể khiến nạn nhân thiệt mạng nếu như không được cấp cứu kịp thời. Hậu quả của hành vi này sẽ để lại rất lâu dài đến đời sống, sức khỏe, hạnh phúc gia đình của nạn nhân.
Do đó, khi áp dụng hình phạt, tòa án sẽ cân nhắc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, vì lý do nhỏ nhặt, ích kỷ, bội bạc mà thực hiện hành vi phạm tội. Khi thực hiện hành vi phạm tội cắt của quý của đàn ông, người phụ nữ thường là đang quẫn chí, cơn ghen tuông ở đỉnh điểm hoặc xuất phát từ động cơ đê hèn, vì trả thù, vì muốn tước đoạt hạnh phúc của nạn nhân nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp người đàn ông có lỗi do đã thực hiện hành vi bạo lực gia đình hoặc ngoại tình trước đó, cũng không phải là căn cứ để hung thủ ra tay một cách tàn nhẫn như vậy. Về nguyên tắc, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, ai vi phạm, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bởi vậy, pháp luật nghiêm cấm sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Những vụ án như thế này là rất đau lòng và gây hoang mang trong xã hội, để lại hậu quả rất nặng nề với nạn nhân và những người xung quanh. Do đó, cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác.
Vụ việc trên là cái giá phải trả quá đắt cho hành vi dại dột, sẽ là bài học cho những ai có ý định thực hiện những hành vi tương tự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mâu thuẫn trong cuộc nhậu, đánh nhau gây thương tích:
Nguồn: THĐT1