Bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người tăng mạnh. Ảnh:H.Hải. |
Ông Phu cũng cho biết, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải lợn “bẩn” mang mầm bệnh. Bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ.
Bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người nguy hiểm như thế nào
Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Với viêm não, bệnh nhân thường phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn với bệnh nhiễm khuẩn huyết có những bệnh nhân phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng và có những ca bệnh đã không thể qua khỏi vì quá nặng.
Bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người nguy hiểm như thế nào. |
Một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thực hiện trong năm 2010 cho thấy, đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao.
Bệnh lây từ lợn sang người chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang bệnh. Nguy hiểm nhất là trên da người tiếp xúc bị trầy xước, có vết thương hoặc ăn tiết canh, ăn thịt lợn nhiễm trùng nhưng chưa nấu chín kỹ. Đặc biệt, liên cầu khuẩn lợn không chỉ tồn tại trong thịt hay máu lợn đã giết mổ mà còn lưu hành trong bụi, không khí nhiều ngày.
Biểu hiện của người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn
Người bệnh sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Trường hợp nặng người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người
Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt khi đã nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng.
Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người.
Cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn từ lợn sang người. |
Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến.