Nhiều điểm mới ở Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ
Bộ Công an đánh giá, dù Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ còn những vấn đề bất cập nhất định.
Dự thảo xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nhiều điểm mới. |
Do đó, theo Bộ Công an, cần xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ để thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất áp dụng các quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nhiều điểm mới được bổ sung, thay thế cho các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trước đây, luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc các cơ quan và tổ chức, cá nhân nhưng không quy định ai chịu trách nhiệm chính. Lần này trong dự thảo đề xuất bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó ngành công an chịu trách nhiệm chính. Như vậy, nếu Luật được thông qua thì ngành công an phải chịu trách nhiệm chính trong hoàn cảnh hạ tầng ổn định của nước ta như hiện nay.
Luật hóa các quy định trước đây được quy định ở thông tư các bộ, các ngành ví dụ như hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ trên đường…. thì lần này dự thảo đã cụ thể hóa trong luật theo hướng đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng . Từ đó, người dân dễ hiểu, dễ nhận thức và chấp hành pháp luật tốt hơn, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Các quy tắc về giao thông đường bộ được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn hơn, sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng một số quy tắc giao thông như: sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau…..bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông.
Có đơn vị chịu trách nhiệm chính trước dân
Trao đổi về vấn đề này tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT năm 2020 ngày 28/12//2019, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho rằng, những vụ tai nạn giao thông gần đây ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. Nhiều đối tượng lợi dụng ùn tắc giao thông nhằm cản trở, gây rối trật tự xã hội, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông thiếu hành lang pháp lý để xử lý.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh: “Các văn bản pháp luật hiện hành không đủ chế tài trong xử phạt vi phạm ATGT cũng như xử lý các nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong đó, có nguyên nhân do hành lang pháp lý về trật tự ATGT chưa đủ mạnh; công tác quản lý nhà nước về ATGT còn nhiều bất cập”.
Hiện nay có những vụ tai nạn giao thông ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. |
Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trước những bất cập đó, Bộ Công an xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Luật Giao thông đường bộ.
Trong đó, Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an xây dựng gồm 8 chương và 93 điều, tập trung vào lĩnh vực "Trật tự an toàn giao thông đường bộ", với nhiều điểm mới, hoàn thiện và đáp ứng được đòi hỏi của yêu cầu thực tế hiện nay… hướng tới mục tiêu cao nhất, giúp người dân tham gia giao thông thuận lợi, an toàn; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm hay từ các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực giao thông, đồng thời có những điều chỉnh để phù hợp với điều kiện nước ta và thông lệ quốc tế.
"Điều cơ bản quan trọng nhất tôi cho rằng trước đây Luật GT đường bộ 2008 quy định bảo đảm TTATGT thuộc các cơ quan thuộc trách nhiệm các cơ quan tổ chức và cá nhân, nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm chính, lần này khi đề xuất, ngành công an sẽ chịu trách nhiệm chính trước CP, trước nhân dân là bảo đảm TTATGT.
Đây là điểm then chốt, từ nay, nếu luật được thông qua, kiểm điểm trách nhiệm thì ngành công an chịu trách nhiệm chính, tôi cho rằng đây là một điểm tiến bộ” – Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Luật sư Trương Anh Tú. |
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta đẩy mạnh công tác an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ, nhưng thực tế thì lại không có một đạo luật nào trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, tất cả mọi thứ nằm trong Luật giao thông đường bộ, mà Luật chủ yếu nói về kết cấu hạ tầng, phần đảm bảo an toàn giao thông được lồng ghép trong các điều luật, cái này chưa đủ để chúng ta đẩy lùi tình trạng mất an toàn giao thông.
“Dự luật này ra đời tôi tin rằng nó sẽ là một công cụ hữu hiệu, chủ lực để Nhà nước, toàn dân đẩy lùi tan nạn giao thông, giúp phần tích cực trong việc không chỉ là đảm bảo về trật tự mà là an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân” – Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.