Các diễn giả giải đáp các câu hỏi của khách mời tại Hội thảo
|
Ông Lim Ti Meng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Singapore và Giám đốc điều hành của Trung tâm khoa học Singapore cho biết: Trong xã hội phát triển công nghệ 4.0, thông tin Fake News xuất hiện rất nhiều trên các nền tảng, do vậy cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực phổ cập khoa học cho các nhà khoa học trong bối cảnh truyền thông thông minh. Ngoài công tác truyền thông truyền thống thì chúng ta cần đa dạng cách truyền thông để nâng cao hiểu biết về khoa học cho cộng đồng. Ví dụ, ở Singapore Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề truyền thông phổ biến kiến thức khoa học, Chính phủ đã xây dựng các bảo tàng khoa học và các trung tâm khoa học, nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động nghiên cứu khoa học cho giới trẻ, để giới trẻ hiểu và đam mê khoa học, qua đó sẽ ứng dụng vào thực tiễn.
Các thành viên của đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam (Vusta) tham dự Hội thảo
|
Ngoài ra, cũng theo ông Meng, để truyền thông kiến thức khoa học tới giới trẻ, Singapore đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội: Youtube, facebook, tiktok…. Cùng với đó là vừa kết hợp giáo dục khoa học gắn với yếu văn hóa để mọi người dễ tiếp thu và hiểu sâu.
Ông Lim Ti Meng lấy ví dụ: Khi chế biến món cơm gà Hải Nam của Singapore, có một bước là lấy con gà vừa luộc chín nhúng vào nước lạnh luôn, họ đã kết hợp tính khoa học để giải thích nguyên nhân này. Cách giải thích như vậy sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về khoa học, chứ không phải như mọi người thường nghĩ khoa học là khô khan.
Hội thảo thu hút được nhiều người quan tâm tham dự |
Ông Liu Jifeng, Phó Giám đốc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) chia sẻ: Hiện nay công nghệ đang phát triển rất nhanh, việc ra đời công nghệ thông minh AI Chat GPT đang đe dọa đến công việc của những người làm truyền thông về khoa học, vì họ có thể bị mất việc làm do Chat GPT. Tuy nhiên, Chat GPT cũng chỉ là cỗ máy tổng hợp thông tin, không có sự sáng tạo. Do vậy, để tìm kiếm, nghiên cứu các đề tài khoa học, tăng tính sáng tạo thì không có gì có thể thay thế con người. Chính vì những nguyên nhân này, chúng ta cần chú trọng vào việc bồi dưỡng những khát khao, mong muốn tìm tòi, sáng tạo của thanh thiếu niên. Và những gì thuộc về bầu trời chính xác hơn là Thiên văn học luôn có sức cuốn hút, thôi thúc sự khám phá của giới trẻ hơn cả. Vì thế nhà trường đã khuyến khích thành lập Câu lạc bộ Thiên văn học, từ đó các bảo tàng về thiên văn ra đời. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều cuộc thi về Thiên văn học cho sinh viên đại học và các học sinh trung học tài năng.
Trước đó, các Viện nghiên cứu không có nhiều vai trò trong việc phổ cập Thiên văn học, nhưng nay các Viện nghiên cứu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tổ chức nhiều lớp học về Thiên văn học, đặc biệt các Viện đã dành 1% tổng thời gian của Đài quan trắc thiên văn để mở cửa cho thanh thiếu niên trải nghiệm quan trắc khoa học.
Đoàn công tác Liên hiệp Hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư khoa học vũ trụ WU Xiangping (thứ 4 từ phải sang) người điều phối Hội thảo
|
Ông Yuan Lanfeng, Phó giám đốc, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Khoa học, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc chia sẻ trong bài tham luận: “Làm thế nào để xây dựng cầu nối giữa đa lĩnh vực khoa học với cộng đồng” như sau: Người phổ cập kiến thức khoa học có thể là nhà khoa học hoặc không, nhưng phải xác định rõ mình hiểu gì và mức độ hiểu đó đến đâu, căn cứ vào mức độ hiểu thì mình có thể chia ra nhiều mức độ. Cũng phải cần phân biệt rõ các đối tượng phổ cập kiến thức khoa học như học sinh, người có trình độ thấp, quan chức... Và khi phổ cập thì mình phải làm rõ: Đối tượng phổ cập đã biết gì và muốn biết gì; Người phổ cập đã biết gì và muốn phổ cập điều gì?. Cách để trở thành người phổ cập thì đầu tiên mình phải học tập để có kiến thức, từ đó sẽ có những phương pháp phổ cập phù hợp tới mọi đối tượng. Có thể thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với các chuyên gia, nhà khoa học trong những lĩnh vực khác để xem mình đã đạt đến trình độ có thể đi phổ cập kiến thức khoa học không.
Ngoài ra, các diễn giả còn đưa ra nhiều giải pháp như những sáng kiến, sản phẩm khoa học nên được định giá bằng giá trị ứng dụng thực tiễn để từ đó xác định được quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm đó với cộng đồng…
GS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo
|
GS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo: trong thời đại hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh mẽ, cũng là thời kỹ chuyển đổi tổng thể các hoạt động kinh tế, xã hội và chuyển đổi số, kinh tế xanh. Vì vậy, những kiến thức khoa học dành cho giới trẻ là rất cần thiết để giúp cho giới trẻ tiếp thu kịp thời những kiến thức mới. Từ đó, giới trẻ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội, cho tương lai. Theo tôi, việc phổ biến kiến thức khoa học cho lớp trẻ từ lúc còn nhỏ sẽ có những tác dụng to lớn, phù hợp với thời kỳ công nghệ số, vì các em dễ tiếp thu, dễ tiếp nhận và dễ phát huy những ý tưởng sáng tạo mới trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Việt Nam trao đổi tại Hội thảo
|
Cũng trong buổi hội thảo này, bà Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Việt Nam đã bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho thanh niên trong chuyển đổi số. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai. Vì thế, việc nâng cao nhận thức của thanh niên về chuyển đổi số quốc gia là rất cấp thiết; cần khẳng định rõ tinh thần tiên phong, đi đầu của thanh niên trong tiến trình chuyển đổi số.
Để thúc đẩy vấn đề này, các tổ chức cần nghiên cứu chương trình giáo dục chất lượng về phổ biến các chương trình khoa học và công nghệ, tích hợp công nghệ mới vào quá trình học tập để giúp thanh niên hiểu rõ về tiềm năng và ứng dụng của chuyển đổi số. Xây dựng môi trường thúc đẩy sáng tạo và thử nghiệm công nghệ, giúp họ áp dụng kiến thức vào thực tế và phát triển kỹ năng số trong chuyển đổi số tốt nhất. Và đặc biệt là cần tạo ra cơ hội để thanh niên học hỏi và làm việc cùng các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và khoa học, từ đó phát triển bản thân, kết nối thúc đẩy sự liên kết, gắn kết giữa sản phẩm khoa học công nghệ và thực tiễn ững dụng trong tương lai