Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có quy mô hơn 157 ha chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn 2, diện tích hơn 73 ha gồm 8 ô chôn lấp.
Đây là bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội, hoạt động từ năm 1999, là địa điểm xử lý chính rác thải của 4 quận nội thành, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác. Người dân sống quanh khu từng nhiều lần chặn xe rác không cho vào khu xử lý.
|
Toàn cảnh khu liên hiệp xử lý rác. Đây là khu vực rộng lớn, rác được chất cao như núi và được phủ bạt kín mít |
Nguyên nhân do môi trường nước và không khí đều ô nhiễm, người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da... Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.
Từ tối 10/1, khoảng 40 người dân xã Nam Sơn tập trung chặn xe vào đổ rác. Người dân cho rằng TP và huyện Sóc Sơn đã chậm thực hiện các chính sách với người dân bị ảnh hưởng vì khu xử lý chất thải, trong đó có việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; vị trí và diện tích dành cho mỗi hộ dân ở khu tái định cư.
Bà N.Đ. sống cách khu xử lý rác 100m cho biết nhà có 2 người con dâu mới sinh đều bị nhiễm khuẩn. Các cháu bà đều có dấu hiệu hô hấp khó, thở khò khè, da vàng. Mùa hè cứ đến bữa ăn thì ruồi bâu kín, có khách bà cũng không dám mời ở lại, có hôm nhà phải dùng hết gần 20 phên dính ruồi, con cháu ở trong nhà, đóng cửa, lúc ăn cơm phải mắc màn.
Ông N.Q.H. (40 tuổi, thôn Liên Xuân, Nam Sơn, nhà ngay cạnh bãi rác Nam Sơn) giãi bày, đã gần 20 năm nay, cả gia đình 3 thế hệ nhà ông đều phải hít không khí đặc quánh, mùi hôi thối của rác rưởi, các loại vật chất đang phân hủy, cực kỳ khó thở.
|
Bãi rác nhìn từ những nhà dân, chỉ cách nhau vài trăm mét. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. |
Ông H. chia sẻ thêm: "Mấy hôm nay, các hộ chặn xe chở rác cũng là việc cực chẳng đã. Người dân quá bức xúc trước việc ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác này. Chúng tôi sinh sống ở đây đã lâu, phải chịu mọi hệ lụy mà bãi rác này thải ra, từ ung thư cho tới viêm phổi, rồi ô nhiễm đủ thứ. Trẻ con sinh ra nhà ai có điều kiện thì được cho đi ăn học ở xa, không thì phải chịu cảnh ô nhiễm. Nhà nào khó khăn thì phải sống khổ sở, ngày nào cũng hít phải thứ không khí bẩn thỉu, bệnh tật".
Dù đã nhận được trợ cấp nhưng việc bãi rác Nam Sơn phình to, ô nhiễm ngày càng nặng khiến người dân kiên quyết đòi di dời khỏi khu vực này.
Chiều qua, huyện Sóc Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của bãi rác; đồng thời phát tờ khai kiểm đếm đất và tài sản trên đất; thành lập tổ công tác để thực hiện các quy định của nhà nước về đền bù giải phóng mặt bằng.
Đến chiều tối qua, người dân 3 xã không còn ngăn xe chở rác vào khu xử lý chất thải.
|
Cổng vào khu xử lý rác có chung đường đi với thôn Đông Hạ của xã Nam Sơn. |
|
Khu xử lý nước thải của bãi rác. |
|
Ngay cạnh đó là đất canh tác của người dân. |
|
Nước từ bãi rác này chảy xuống mương phía dưới tràn cả ra đường đi. |
|
Ruộng đồng bà con cách bãi rác chỉ 1 hàng rào. |
|
Ngày 13/1, TP Hà Nội gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500m quanh khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. |
|
Xã Nam Sơn có 535 hộ, xã Hồng Kỳ có 200 hộ dân nằm trong bán kính 500m của bãi rác. |
|
Trước ngày 30/3, huyện sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân, đảm bảo tiến độ trong quý 2 năm nay. |
|
Huyện Sóc Sơn phải chịu trách nhiệm giải thích để dân không cản trở việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải. |
|
Sau nhiều lần cản trở xe ra vào, nguyện vọng chính của người dân nơi đây là cho các hộ sống gần khu vực bãi rác được chuyển đi, hoặc là bãi rác đóng cửa. |