Theo thống kê, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Sau khi ăn tiết canh, nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. (Ảnh minh hoạ: Internet). |
Tuy báo chí và các phương tiện truyền thông khác thường xuyên đưa tin cảnh báo, nhưng số lượng bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh mà các bệnh viện tiếp nhận thời gian qua vẫn khá nhiều.
Đơn cử như trường hợp ông Minh (57 tuổi, ở Thái Bình) bị sốt cao, đi ngoài phân lỏng sau 4 ngày ăn tiết canh lợn. Gia đình đưa ông vào bệnh viện tỉnh khám, sau đó chuyển viện ngay vì xuất hiện sốc. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) vào ngày 1/10; được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng, đã suy đa tạng do liên cầu lợn.
Hay như ông Dự (52 tuổi, ở Ninh Bình) nhập viện khi có biểu hiện sốt, hôn mê sau 3 ngày ăn tiết lợn. Bệnh nhân có các biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn và xét nghiệm vi sinh đã khẳng định chẩn đoán.
Báo Quân đội Nhân dân cho hay, một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn phải nó trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng không phải trường hợp nào cũng qua khỏi. Ngoài ra, không ít ca bệnh nhập viện do ăn các sản phẩm từ lợn như thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín.
Trong 6 tháng đầu năm, số người mắc liên cầu lợn rải rác ở 23 tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều nhất là tại Hà Nội và Bến Tre, mỗi địa phương 8 bệnh nhân. So với cùng kỳ năm 2016, số ca bệnh năm nay tăng gấp 3 trong khi số tử vong tăng 1 người.
Chia sẻ tại một hội thảo về dịch bệnh hồi tháng 7/2017, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bệnh liên cầu khuẩn truyền từ lợn sang người. Thực tế, ngày càng có nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thông tin với báo chí, đại diện cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế cho biết: Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong. Ngoài tiết canh, mầm bệnh còn nằm trong các món ăn hằng ngày như: Nem chua, thịt tái sống… đây được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh cho người.
Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, ngành Y tế khuyến cáo:
- Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
N.