Tại Hà Nội, trên các đoạn đường Trung Kính, Lê Văn Lương kéo dài, nhiều gian bán bánh trung thu đã được dựng lên, dù chưa có hàng. Những đơn vị bán bánh trung thu không nhanh chân rất khó tìm được mặt bằng đẹp.
Anh Trần Văn Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa hoàn tất hợp đồng bán bánh trung thu của một hãng lớn. Sau 1 ngày hỏi các mối thân quen và đi thực địa, anh không tìm được nơi nào ưng ý.
Phần lớn vị trí đẹp đã có người thuê. "Vài nơi còn trống 1-2 lô nhưng diện tích nhỏ, lại bị che khuất tầm nhìn bởi các hàng khác, song giá thuê 14-16 triệu đồng một tháng", anh Thanh cho biết.
Những mặt bằng đẹp, thông thoáng trên các tuyến đường lớn ở Hà Nội có giá thuê ngang bằng tại những siêu thị, trung tâm thương mại. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo nhiều chủ nhà, thời điểm này mới đi thuê mặt bằng là quá muộn. Nhiều đơn vị đã hỏi từ 2 tháng trước đó. Cuối cùng, anh Thanh chấp nhận thuê một ki ốt 9 m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài, với giá 15 triệu đồng.
Anh cho biết, giá thuê mặt bằng tăng lên từng ngày. Một lô bên cạnh được thuê vào ngày hôm sau phải chịu giá cao hơn 1 triệu đồng. "So với năm ngoái, giá mặt bằng bán bánh trung thu năm nay cao hơn.
Tại các điểm ngoại thành Hà Nội năm ngoái giá thuê chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Những gian 2 mặt tiền, diện tích 15 m2 cũng chỉ có giá 15 triệu đồng", chị Thu Hà, một chủ gian hàng trên đường Lê Văn Lương cho hay.
Năm nay, từ giữa tháng 6, chị Hà tìm mặt bằng bán bánh trung thu. Song dù rút kinh nghiệm thuê chỗ "xí phần" sớm, chị Hà cũng không thể có được một điểm bán ưng ý tại các siêu thị, trung tâm thương mại, vì nơi nào cũng báo hết chỗ.
Tại các điểm này, mỗi gian hàng có diện tích 3-4 m2 nhưng giá thuê lên tới 20-30 triệu đồng một tháng. Chị Hà chuyển sang tìm thuê nhà dân trong các đoạn đường trọng điểm như Xuân Thuỷ, Trung Kính, Kim Mã... thì được thông báo những điểm đẹp đã có người đặt hàng từ đầu năm.
Cuối cùng chị cũng tìm thuê được một điểm bán tại nhà dân rộng 20 m2 với giá 12 triệu đồng một tháng. Chị còn phải chi thêm 150.000 đồng phí vệ sinh và treo biển quảng cáo.
Dù chưa có bánh trung thu nhưng nhiều gian hàng đã được dựng lên. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo chủ hàng này, những điểm bán chạy của các năm trước trên các tuyến đường Bà Triệu, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Xuân Thuỷ,... luôn được đặt chỗ từ trước một năm.
Một số điểm bán ngoại thành thuộc khu đô thị, toà nhà lớn cũng có giá cao ngất ngưởng và không dễ gì thuê được. Một ki ốt rộng 9 m2 (chiều sâu 3 m) trên mặt tiền toà C14, Bắc Hà (Lê Văn Lương kéo dài) cũng có giá đến 16 triệu đồng một tháng.
"Mỗi năm, trên thị trường lại xuất hiện hàng loạt hãng bánh mới. Kéo theo đó, số lượng gian hàng mùa trung thu cũng mọc lên như nấm. Vì thế, ngoài lựa chọn hãng bánh uy tín thì gian hàng phải có view đẹp, như mặt tiền rộng, nằm gần ngã ba và khu đông dân...mới thu hút được khác hàng", chị Hà nói.
Chị Phương Thu, quản lý một cửa hàng trên đường Kim Mã cho biết, phần lớn doanh nghiệp bánh kẹo "xí chỗ" chủ yếu là khách quen thuê mặt bằng từ các năm trước.
Do hoạt động này chỉ mang tính thời vụ, kéo dài khoảng 2 tháng, nên giá thuê tính theo mặt bằng chung. Những doanh nghiệp liên hệ sớm sẽ được ưu tiên lựa chọn vị trí.
Anh Thành, phụ trách marketing một công ty bánh kẹo ở Hà Nội cho biết, để thuê được mặt bằng đẹp, doanh nghiệp phải giao kèo với chủ nhà từ năm trước.
Thậm chí, muốn sở hữu một điểm bán tốt, đơn vị kinh doanh này phải chấp nhận là "hàng xóm" của đối thủ.
Trong khi các doanh nghiệp lớn thời điểm này chưa có động thái gì thì nhiều hàng kinh doanh nhỏ đã chào bán bánh trung thu khắp nơi.
Hơn 1 tuần nay, trên mạng xã hội, nhiều người tranh thủ làm bánh trung thu bán, thu hút đông đảo khách hàng. Bánh trung thu bán nhỏ lẻ trên thị trường có giá chỉ 20.000-35.000 đồng một chiếc (200 g).