Với án tử hình dành cho Dương Chí Dũng và 18 năm tù đối với Dương Tự Trọng, đây là cái kết đáng buồn cho gia đình họ Dương danh gia vọng tộc nhất nhì đất Cảng.
Được biết, vì lí do sức khỏe của ông Dương Khắc Thụ, người thân trong gia đình vẫn giấu ông chuyện Dũng, Trọng phải ra hầu tòa và lĩnh án. Một đại tá công an khét tiếng một thời hẳn không thể ngờ lại có lúc chính những đứa con của mình rơi vào vòng lao lý. Đáng buồn hơn cả, là chuyện một người am hiểu về luật pháp như ông Trọng, vì chữ Tình với anh trai mà cũng trở thành tội phạm, lĩnh án 18 năm tù.
Anh em Dương Chí Dũng và cái Tết trong trại giam - Ảnh 1 |
Mẹ Dương Chí Dũng, cụ Trần Thị Hương, ở cái tuổi 83 gần đất xa trời, chứng kiến hai người con trai của mình lần lượt ra trước vành móng ngựa hẳn chẳng còn gì đau xót hơn. Với lá đơn “Đơn xin cứu xét” gửi đến TAND TP.HN, người mẹ này mong cơ quan pháp luật xác định thêm các tình tiết để làm rõ hành vi tham ô của con trai dù vụ án có phải chậm lại mấy tháng.
Những ngày giáp Tết, trong khi các gia đình khác chuẩn bị sum vầy, đoàn viên, thì nỗi đau bao trùm lên gia đình họ Dương nổi tiếng một thời. Căn nhà của vợ chồng Dương Chí Dũng trên con phố Nguyên Hồng vẫn đóng cửa im ỉm. Người dân sống xung quanh cũng cho biết, từ khi ông Dũng bị bắt, ngôi nhà lúc nào cũng trong tình trạng rèm buông kín mít cả 4 tầng và cửa thì khóa. Thỉnh thoảng thấy vợ chồng cô con gái lớn đi ô tô đến. Còn bà Mai Phương và hai cô con gái, hi hữu lắm hàng xóm mới nhìn thấy. Thậm chí đôi lúc thấy trong nhà có ánh đèn nhưng bấm chuông cũng không có ai ra mở cửa.
Căn nhà của Dương Chí Dũng ở phố Nguyên Hồng lúc nào cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. |
Căn nhà ở Phường Anh Dũng, Quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, nơi gia vợ chồng cụ Dương Khắc Thụ và vợ con Dương Tự Trọng đang sống nhuốm màu thương đau. Khi cái Tết này sẽ vắng bóng 2 người con Dũng – Trọng về đoàn tụ.
Căn nhà của cô Hoàng Kim Nhung, “bạn gái” ông Trọng vốn đã cửa đóng then cài và ít giao tiếp với hàng xóm từ trước, thì những ngày này, lại càng thấy lặng lẽ hơn. Người dân ở Phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) sống gần nhà cô Nhung cho biết, chẳng thấy có ai tìm đến hay ra vào ngôi nhà, có lẽ sau vụ ông Trọng, cô ấy đã chuyển đi nơi khác.
Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng ngày 7-8/1 vừa qua, trước bản án 18 năm tù dành cho bị cáo Trọng, vợ của bị cáo đã không cầm được nước mắt khi chạy theo ông Trọng đang bị các chiến sĩ cảnh sát áp tải ra đến tận xe thùng. Giọt nước mắt cay đắng của người phụ nữ có chồng là kẻ phạm tội khiến cho những người có mặt khi ấy không khỏi xót xa.
Ngôi nhà mà bố mẹ Dương Chí Dũng đang sống.
Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, hai người đàn ông trụ cột trong gia đình họ Dương giờ đây đều đang phải sống trong trại giam. Và với bản án tử hình dành cho Dũng, 18 năm tù dành cho Trọng, liệu có còn cơ hội cho 2 bị cáo sửa sai? Có còn được một lần phụng dưỡng chăm sóc bố mẹ già? Cái kết nghiệt ngã cho gia đình danh gia vọng tộc nhất nhì đất Cảng.
Trong phiên tòa xét xử chiều ngày 7/1, khi được cho nói lời sau cùng, Dương Tự Trọng bày tỏ tình cảm của mình dành cho anh trai Dương Chí Dũng và mong HĐXX cho anh trai được nhận khoan hồng. Cũng trong phiên xét xử này, Dương Chí Dũng đã làm những người có mặt ở phòng xử ngỡ ngàng trước câu nói "Em tôi, tôi rất thương. Tôi có thể làm tất cả vì em mình". Những lời nói cuối cùng này, có phải là sự ăn năn muộn màng của hai anh em họ Dương? Giá mà cựu PGĐ Công an Hải Phòng giữ được một "cái đầu lạnh" và bản lĩnh như khi đối mặt với kẻ thù, đủ bình tĩnh khuyên anh mình ra đầu thú, thì có lẽ vẫn còn một người đàn ông làm chỗ dựa cho cha mẹ già và các em.
Chợt nhớ đến những bài thơ mà em gái Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng đã làm gửi cho các anh mình bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến với lời nhắn nhủ "Giá mà chịu tội được thay các anh mình, tôi cũng làm ngay". Còn gì đau đớn hơn khi em gái Băng Tâm phải lần lượt nhìn các anh mình vào tù, đón nhận những hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật cho hành vi sai phạm đã gây ra.
Và trong những ngày nay, ở trong trại giam, Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng có thấy xót xa?