Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Báo Tri thức và Cuộc sống cùng GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam; Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông; GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS.TS Lâm Bá Nam - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn lại năm 2023, bàn về những cơ hội, giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024.
Kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực
Kinh tế Việt Nam năm 2023 không đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2024, chúng ta đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5%, liệu có “trong tầm tay”?
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2023, dù chỉ số tăng trưởng GDP không đạt, nhưng trong bối cảnh khó khăn của thế giới, việc đạt mức tăng trưởng được dự báo 5% đã rất thành công. Chúng ta thành công trong việc điều hành kinh tế, giữ cho nền kinh tế ổn định.
Theo tôi, năm 2024, Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi những “làn gió ngược” được dự báo giảm, thực tiễn có thể mở ra thuận lợi hơn. Việt Nam tiếp tục giữ tốt đà đi lên của nền kinh tế trong năm 2023, đặc biệt không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% - 6,5% trong năm 2024, mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, đặc biệt đón nhận dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, năm 2024 là tiền đề để chuyển đổi luồng đầu tư, đã có sự dịch chuyển về cơ hội đầu tư không chỉ theo hướng sản xuất và gia công, mà đầu tư các ngành công nghệ cao tạo ra giá trị cho đất nước.
GS.TS Hoàng Văn Cường |
Chúng ta cũng kỳ vọng kêu gọi được những tập đoàn lớn của thế giới. Vì vậy, nếu năm 2024 tận dụng tốt cơ hội đó, Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, tiêu dùng… Đây là tiền đề để tin rằng, năm 2024 đất nước sẽ phát triển và đạt mức tăng trưởng cao.
Ngoài ra, năm nay cũng cần thúc đẩy đầu tư công, nhưng phải nghiên cứu không chỉ tập trung kết cấu hạ tầng, mà còn trực tiếp cho tập đoàn, doanh nghiệp thông qua phương thức đặt hàng, tạo điều kiện hỗ trợ đón luồng đầu tư mới. Muốn vậy, phương thức đầu tư cần thay đổi.
Việc đẩy mạnh vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và một số mặt khác. Đầu tư công đúng mực sẽ giúp tạo ra công việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó cung cấp điều kiện cơ bản để hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, với mức tăng trưởng 6,13% cho kịch bản 1 và 6,48% với kịch bản 2. Chúng ta có nên đặt ra kịch bản cao hơn nữa để thúc đẩy nỗ lực phi thường?
Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả 2 kịch bản trên là rất thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm được với nỗ lực hơn mức bình thường.
Tôi nghĩ, cần có kịch bản tăng trưởng tham vọng, nhiều hoài bão hơn, dám nghĩ lớn hơn để tạo áp lực mạnh mẽ, nỗ lực phi thường hơn. Chúng ta cũng cần một kịch bản để truyền cảm hứng cho hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa đối với cả nền kinh tế. Do đó, tôi từng đề xuất CIEM bổ sung kịch bản tăng trưởng 7% năm 2024.
Đây là kịch bản mơ ước, thậm chí có thể nói là lãng mạn, so với khó khăn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mục tiêu này không phải không thể đạt được. Chúng ta quyết tâm thực hiện sẽ tạo ra động lực để có nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và người dân, giúp nền kinh tế quay trở lại tốc độ tăng trưởng 7% năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam |
Có nhiều dư địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2024, điều quan trọng là phải nỗ lực phi thường để biến tiềm năng thành hiện thực. Muốn vậy, cần chú ý một trong những lĩnh vực tiềm năng là gia tăng đầu tư tư nhân. Đây sẽ là yếu tố đột phá để có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Bên cạnh đó, cần có nỗ lực đặc biệt để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện mang tính đột phá trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu, năng lực đổi mới sáng tạo, tự do kinh tế.
Chúng ta cần nỗ lực phi thường để không mãi nằm ở nửa dưới của các bảng xếp hạng. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, nếu được phát huy mạnh mẽ, sẽ là nhân tố đóng góp cho kịch bản mơ ước này.
Tuy nhiên, động lực tăng trưởng mới chỉ có thể thực sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa khi các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, những cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân thực sự được ban hành, đi vào cuộc sống.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng
Để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đưa ra là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Tầm quan trọng của nhiệm vụ này ra sao?
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông: Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong năm 2024.
Bởi cơ chế, chính sách tốt, thủ tục hành chính đơn giản sẽ mở đường cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, cũng như thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Môi trường đầu tư tốt sẽ làm cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Nhìn nhận thực tế, các quy định của pháp luật còn bất cập. Mặc dù được doanh nghiệp, người dân kiến nghị nhiều lần, việc sửa đổi, tháo gỡ rất chậm… Tình trạng nhiều cơ quan, ban ngành không làm gì, ngồi chờ chính sách thay đổi khá phổ biến. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho phát triển thiếu nhưng nhiều nơi có vốn lại không thể giải ngân khiến nguồn lực xã hội bị lãng phí.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông |
Tình trạng trên xuất phát từ chính sách pháp luật chưa rõ ràng, khiến cho không ít cán bộ, công chức sợ sai, không dám làm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thúc đẩy phát triển khi hoạt động của bộ máy trì trệ, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Chính vì vậy, tôi mong rằng, nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh sẽ được Chính phủ thực hiện quyết liệt, thực chất và hiệu quả trong năm 2024.
Chuyển đổi công nghiệp xanh giúp thu hút FDI
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được cho là có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh?
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Chuyển đổi xanh là phục vụ cho phát triển bền vững, gồm ba mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp trong quy hoạch tại 61 tỉnh thành, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 đơn vị này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam |
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái. Trong trường đại học và các công ty, với sự đồng hành của tổ chức quốc tế, Việt Nam có nhiều cơ sở xử lý phát thải cao.
Tuy nhiên, khi triển khai đến từng nhà máy, hiệu quả lại rất thấp. Các nhà máy, doanh nghiệp hiện nay chỉ tiếp thu quản lý nội vi, thay vì đầu tư công nghệ để tăng tính hiệu quả. Hiện, nông nghiệp bền vững Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...
Về khía cạnh kinh tế tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp đã triển khai và có chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa số
Trong Nghị quyết 01 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Trước đó, Thủ tướng nhiều lần khẳng định “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Chuyên gia đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của đất nước?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực tiễn cho thấy, văn hóa ngày càng được liên kết chặt chẽ với các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Nhiều quốc gia coi văn hóa là yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế. Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành chiến lược mang tính đột phá, ở đó du lịch văn hóa, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có giá trị văn hóa, khuyến khích thương mại hợp tác giữa các quốc gia có thể tạo ra lợi ích kinh tế cho cả cộng đồng và quốc gia tham gia.
Ví dụ, Nhật Bản kết hợp nền văn hóa độc đáo và sự sáng tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế. Nhật Bản còn đầu tư vào công nghệ, giải pháp thiết kế và sản phẩm có giá trị văn hóa. Trong khi đó, Hàn Quốc phát triển ngành công nghiệp K-Pop và K-Drama làm nền tảng cho việc thúc đẩy du lịch văn hóa, tạo ra lợi ích kinh tế từ sự tương tác văn hóa.
Việc tích hợp văn hóa vào giáo dục và nghiên cứu giúp nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, khám phá, tạo ra nhận thức về vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường. Nền giáo dục đa dạng, nhân văn có thể tạo ra nguồn lực nhân tài đa dạng cho sự phát triển. Ngoài ra, tích hợp văn hóa vào hoạt động phát triển cộng đồng và xã hội dân sự giúp tạo nên cộng đồng thân thiện và đa dạng… Từ đó, có thể đề xuất một số giải pháp quản lý văn hóa ở Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Cụ thể, chúng ta phải hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng con người cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là năng lực xây dựng thể chế, chính sách, chương trình và kế hoạch dài hạn, khắc phục tình trạng sa đà vào sự vụ, thiếu tính chiến lược; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ.
Xây dựng các luật, cơ chế chính sách về giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, các lực lượng xã hội; đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa nghệ thuật khi sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa mới theo hướng tăng cường tính hiệu quả, không phát triển thiết chế theo một mô hình thống nhất mà phải phù hợp với đặc điểm vùng miền, đến nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Chúng ta phải tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; xây dựng cơ chế lựa chọn, sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ.
Một khía cạnh khác là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước; phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật của đất nước…
Đổi mới giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội hiện nay, chuyên gia đánh giá sao về ý kiến này?
PGS.TS Lâm Bá Nam - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): 2024 là năm quan trọng, có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới. Đây là năm chương trình mới trong hệ thống giáo dục phổ thông đang vận hành, hy vọng được xem xét một cách cẩn trọng.
Việc đưa chương trình vào hệ thống giáo dục và vận hành cần có theo dõi, đánh giá hiệu quả, điều chỉnh nếu không phù hợp. Xã hội rất quan tâm vấn đề này. Hiện nay, ý kiến về chương trình mới vẫn còn nhiều vấn đề như quá tải với học sinh, phụ huynh lo lắng giáo dục chạy theo thành tích, tình trạng dạy thêm, học thêm.
Triết lý giáo dục là đào tạo con người làm chủ tương lai, phải kích thích lao động sáng tạo của người học. Chúng ta đang có quá trình hội nhập của thời cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người học có thể tự tìm kiếm thông tin, vấn đề là kích thích sự sáng tạo. Nếu vẫn học theo kiểu nhồi nhét kiến thức để giải quyết khâu đi thi, thành tích sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo của người học và cản trở đích đến là đào tạo lao động sáng tạo trong tương lai.
PGS.TS Lâm Bá Nam |
Chúng ta mong muốn đổi mới nhưng lối mòn vẫn định sẵn, trở thành sức ì lớn. Bài toán này cần lời giải đáp để chất lượng đào tạo đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự phát triển kinh tế và xã hội. Yêu cầu hội nhập đòi hỏi thầy cô giáo phải đổi mới để hội nhập.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) trao đổi với PV về điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi)