Không thiếu những trường hợp người dùng bị lừa hàng chục triệu để mang về một chiếc smartphone nhái. Đó có thể là một chiếc iPhone mới cáu, song camera, vi xử lý hoặc các thành phần khác lại hoàn toàn kém chất lượng.
Làm giả các smartphone của iPhone hay Samsung gần như là một ngành công nghiệp tại Trung Quốc. Theo báo cáo vào năm 2017 của Antutu, thị trường smartphone giả có đến 36% thiết bị mang thương hiệu Samsung, tăng đáng kể so với 7,7% của iPhone và 3,4% của Huawei. Trong đó Galaxy S7 Edge là cái tên bị làm nhái nhiều nhất.
Báo cáo cũng cho hay 2,64% trong số 17.424.726 thiết bị được xác minh là giả. Con số này vào khoảng 460.000 máy giả chỉ tính riêng trên báo cáo của Antutu, trong khi thực tế, có hơn 1 tỷ chiếc smartphone đang được sử dụng trên khắp thế giới.
Samsung là thương hiệu smartphone bị làm nhái nhiều nhất trong năm 2017. Ảnh: Antutu. |
Rõ ràng mua một chiếc smartphone mới từ nhà bán lẻ uy tín là cách làm an toàn nhất, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Thị trường điện thoại cũ, di động tân trang ngày càng phát triển, không ít người dùng luôn có khao khát sở hữu sản phẩm cao cấp với mức giá vừa phải. Đây hoàn toàn là một mong muốn chính đáng.
Do đó, người dùng nên cân nhắc những đặc điểm sau đây khi chọn mua smartphone nhằm tránh việc "ăn" phải những cú lừa không đáng có.
Vẻ ngoài 'kém sang'
Lẽ dĩ nhiên, diện mạo bên ngoài là thứ đập ngay vào mắt người dùng khi mua smartphone. Bạn nên chú ý vị trí của các phím bấm, đường viền bezel có phù hợp hoặc camera có bị mờ hay không.
Tất nhiên, nếu chỉ kiểm tra bên ngoài thôi thì chuyện không có gì để nói. Các thiết bị được làm nhái tinh vi đều sở hữu vẻ ngoài bắt mắt khiến người dùng bình thường rất dễ bị đánh lừa.
Nếu giao dịch được thực hiện trên mạng, bạn nên kiểm tra bằng cách gọi ngay cho người bán và yêu cầu hình ảnh, video quay giao diện điện thoại ngay lúc ấy. Cũng đừng ngại ngần hỏi xem những hình ảnh về vết nứt, trầy xước của thiết bị.
Phần mềm trên smartphone giả thường rất tệ, đặc biệt các giao diện, biểu tượng ứng dụng thường không khớp với thương hiệu. Người dùng có thể kiểm tra smartphone mới bằng cách xem video đánh giá trên mạng xã hội. Cố gắng nhận biết trình khởi chạy, icon, tính năng và các ứng dụng được cài đặt sẵn.
Với người dùng bình thường, khó có thể nhận ra chiếc Galaxy S9 bên phải là hàng nhái. Ảnh: Androidauthority. |
Sử dụng thử thiết bị
Mặc dù không phải lúc nào điều này cũng được đồng ý, người mua nên cố gắng soi thiết bị trước khi giao tiền. Cách này rõ ràng giúp cho việc kiểm tra phần cứng cũng như phần mềm được bảo đảm.
Một chiếc di động nhái sẽ chỉ toàn các phần cứng kém chất lượng, như camera "dỏm", không có kết nối NFC hoặc cảm ứng vân tay. Ngoài ra, đảm bảo Wi-Fi, Bluetooth, GPS hay bất kỳ chức năng nào khác vẫn còn hoạt động tốt. Bạn nên kết nối với một thiết bị hoặc mạng khác, và nếu được, thử luôn cả cảm biến vân tay trước khi mua.
Kiểm tra cả camera trước và sau, chắc chắn rằng camera của máy có đầy đủ những tính năng được xác nhận từ nhà sản xuất như ống kính góc rộng, khả năng zoom...Cuối cùng, chụp thử một tấm hình và kiểm tra độ nhiễu hạt. Người dùng cũng có thể kiểm tra thông số này bằng cách vào phần thông tin trong thư viện ảnh hoặc Google Photo. Một module camera kém chất lượng rất dễ để nhận ra thông qua hình ảnh, ngay cả khi xem trên smartphone.
Chạy phần mềm kiểm tra chip xử lý
Có thể nói, bộ xử lý là yếu tố lớn nhất quyết định trải nghiệm của người dùng. Một chiếc smartphone nhái, giả chắc chắn không thể được trang bị vi xử lý tốt.
Ứng dụng CPU-Z trên Play Store giúp người dùng kiểm tra các thông số của thiết bị. Ảnh: Androidauthority. |
Bạn không cần phải tháo điện thoại ra để kiểm tra thành phần này. Hãy tải ứng dụng CPU-Z từ cửa hàng Play Store, ứng dụng này sẽ cung cấp một bản tóm tắt thông tin phần mềm chiếc smartphone đó, kể cả CPU và GPU.
Lưu ý, nhiều smartphone giả hiện cài sẵn phiên bản giả mạo của CPU-Z, khiến nó luôn hiển thị thông số như hàng thật. Hãy xoá ứng dụng CPU-Z có sẵn và tải về từ kho ứng dụng để kiểm tra.
Kiểm tra số IMEI
Tất cả các cách trên sẽ giúp bạn nhận biết một chiếc smartphone giả, nhưng chỉ với kiểm tra bằng IMEI, người dùng mới biết được đây có phải là sản phẩm chính hãng hay không.
Số IMEI (International Mobile Equipment Identifi) là mã số nhận dạng thiết bị quốc tế. Mỗi thiết bị di động đều được cấp mã số IMEI gồm 15 chữ số, và bạn có thể tìm dãy số này trong phần Giới thiệu ở Cài Đặt, hoặc bấm gọi *#06#. Ngoài ra, cũng có thể tìm thấy mã số này trong bao bì, nhưng với những giao dịch không rõ ràng, rất khó để có được bao bì gốc.
Kế đến, gõ số IMEI vào phần kiểm tra trên trang imei.info để biết tình trạng thiết bị hiện tại. Đây cũng là cách để bạn kiểm tra máy có bị khóa với bất kỳ nhà mạng nào hay không.