Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ ngày 11.7, đến hết ngày 20.7, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ nhận đơn phúc khảo bài thi của thí sinh. Sau khi nhận đơn, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi danh sách đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận cho Sở GD-ĐT.
Các Sở GD-ĐT tập hợp danh sách đề nghị phúc khảo và gửi đến các hội đồng thi. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cụm thi thành lập Ban phúc khảo để thực hiện các nhiệm vụ phúc khảo theo quy định của quy chế thi.
Bài thi sau khi đối chiếu xong phải được niêm phong lại, bộ phận giám sát và thành viên Tổ chấm phúc khảo cùng ký niêm phong, sau đó được lưu giữ theo quy định. Kết thúc việc chấm phúc khảo, Tổ chấm phúc khảo lập biên bản tổng kết, có chữ ký của tất cả các thành viên và bộ phận giám sát. Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.
Việc chấm phúc khảo bài thi phải được thực hiện xong chậm nhất ngày 28.7. Đến ngày 30.7, các Sở GD-ĐT phải hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo cho thí sinh. Chậm nhất ngày 1.8, các Sở phải cập nhật điểm thi sau phúc khảo vào phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT.
Theo quy định, các trường ĐH thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 từ ngày 3 đến 5.8, công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 6.8, như vậy, kết quả sau phúc khảo sẽ kịp để các trường xét tuyển.
Năm nay phổ điểm tốt, các trường đại học sẽ không gặp khó khăn gì trong tuyển sinh |
Năm 2018, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn ĐH, CĐ (trừ khối sư phạm) nên các trường sẽ tự chủ điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng Phòng Quản lý Giáo dục (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết năm nay điểm thi có tính phân hóa cao nên sẽ thuận lợi cho việc xét tuyển. Phổ điểm năm nay phân bố chuẩn hơn năm ngoái, tính hội tụ giữa 3 tham số: điểm trung bình, trung vị và điểm mà có nhiều thí sinh đạt nhất, độ dốc của phổ điểm mạnh hơn. Đây được hiểu là điểm từ 8 trở lên có xu hướng giảm mạnh.
Về việc các trường sẽ dựa vào cơ sở nào để tuyển sinh nếu phổ điểm thấp, ông Triệu cho rằng, điểm tuy giảm nhưng điểm trung bình vẫn nằm trong khoảng 5-6 nên vẫn đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh nếu các trường lấy điểm từ trung bình trở lên.
Ông Triệu cũng cho rằng, điểm giảm hơn so với năm trước không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay kém hơn năm trước. Vì nói một cách đơn giản là năm nay đề có tính phân hóa cao hơn nên điểm thi cũng thấp hơn là chuyện bình thường, các em sẽ khó đạt điểm cao. Ông Triệu nhấn mạnh, các trường top dưới, top trên sẽ không gặp khó khăn gì trong tuyển sinh. Điểm năm nay phù hợp với tất cả các trường để đạt được mục đích tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, năm nay do Bộ không đặt ngưỡng đầu vào mà để các trường tự làm. Nhưng không vì thế mà các trường sẽ đưa ra ngưỡng đầu vào thấp quá vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín của trường.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Đăng Diệu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cũng dự đoán điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ giảm từ 3-4 điểm. Và ngay tại trường ông, điểm chuẩn cho trường cũng sẽ không cao như năm 2017.
Theo GS-TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, mặc dù dự kiến điểm thi năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng đối với ngành đào tạo chất lượng cao của trường thì vẫn giữ nguyên mức điểm của năm ngoái là 17 điểm. Còn đối với những ngành truyền thống nếu có giảm cũng chỉ giảm 1 đến 2 điểm, sẽ không giảm quá sâu để đảm bảo chất lượng.
Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội cũng nhận định, với đề thi phân hóa mạnh, phổ điểm năm nay sẽ thấp chung, đặc biêt là các tổ hợp xét tuyển có môn Toán vì đề Toán năm nay được dư luận đánh giá chung là rất khó. Riêng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do thí sinh sẽ phải thi và cộng thêm điểm năng khiếu, nên phổ điểm sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ ngang với năm 2017 hoặc nếu có thấp hơn thì cũng sẽ không đáng kể.