Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời họp báo sau cuộc họp với các Bộ trưởng Thương mại TPP sáng 21/5. |
Chính thức đàm phán xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP
Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất vào khoảng 18h tối nay (theo giờ Việt Nam).
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và một số thành viên Đoàn Việt Nam tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ. |
Việt Nam hưởng lợi và chịu tác động gì từ Hiệp định TPP?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao đổi về tiến trình thực hiện, cũng như tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam.
Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã kết thúc tại Atlanta (Mỹ) vào tối 5/10 (theo giờ Việt Nam). Ngay sau khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Hoàng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Mỹ về tiến trình thực hiện, cũng như tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam.
PV: Thưa Bộ trưởng, quá trình đàm phán TPP đã kết thúc, vậy tiến trình thực hiện TPP tiếp theo đối với Việt Nam sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau khi kết thúc đàm phán TPP, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian để các nước tham gia chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tốt Hiệp định.
Về phía Việt Nam, trên cơ sở thỏa thuận chung giữa các nước TPP, Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ sẽ công bố chính thức toàn văn của hiệp định TPP cho công chúng tham khảo và phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai việc rà soát và phê chuẩn hiệp định theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế.
Ngoài ra, do tầm quan trọng của Hiệp định TPP, dự kiến Hiệp định sẽ được báo cáo Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến chỉ đạo trước khi bắt đầu quá trình phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ đã có các chỉ đạo để các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn thành dự thảo báo cáo Ban chấp hành Trung ương.
Như đã trình bày, thời gian phê chuẩn Hiệp định cũng là thời gian để chúng ta chuẩn bị các công việc cần thiết, trong đó tập trung vào việc điều chính hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng khẳng định Hiệp định TPP sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho Việt Nam. |
PV: Bất kỳ hiệp định tự do thương mại nào cũng có 2 mặt, vậy xin Bộ trưởng cho biết về tác động của TPP đối với Việt Nam? Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào từ Hiệp định này và những lĩnh vực nào sẽ phải chịu tác động tiêu cực?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, thể hiện ở các mặt: Về kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu cua nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp ta tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.
Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam ,với mục tiêu biến nước ta trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh, các mặt hàng gia dụng sử dụng công nghệ mới... Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao. Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới.
Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ... để đón đầu Hiệp định TPP. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn khi Hiệp định TPP được ký kết, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu mà còn trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bất động sản....
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ta cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không nhiều do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ta ở thị trường nước ngoài còn thấp. Mặc dù vậy, cùng với thời gian, một số doanh nghiệp của ta cũng có điều kiện vươn ra một số thị trường TPP (như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư tại Peru) qua đó lan tỏa ra các thị trường khu vực, nhất là khu vực Trung Mỹ (lớn nhất là Mexico) và Nam Mỹ (Peru, Chile).
Việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ (và cùng với đó là EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu) sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (hiện đang dựa quá mạnh vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN). Đây là yếu tố then chốt giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… trong khi doanh nghiệp của các nước cạnh tranh với Việt Nam do chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ sẽ không được tham gia. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và là lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước trong khu vực chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ.
Về mặt thể chế, cũng như việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, thí dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vaccine và một số sản phẩm Việt Nam có bước phát triển mạnh trong các năm qua).
Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo cho Việt Nam các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với Việt Nam phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, do đó nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP. Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp ta tăng trưởng bền vững hơn.
Tuy nhiên, tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam. Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về xây dựng pháp luật, thể chế, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương.
Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít ngành nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
PV: Vậy Việt Nam cần phải làm gì để giảm những tác động tiêu cực do Hiệp định TPP mang lại thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Để giảm thiểu những tác động tiêu cực do Hiệp định TPP mang lại, về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp.
Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ta cần sớm nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai. Đặc biệt, cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi doanh nghiệp đều nhận thức được cơ hội và thách thức của TPP nói riêng cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới nói chung.
Về thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.
Về mặt xã hội, với cơ hội mới có được từ Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ lao động. Với thời gian, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên, cơ cấu sản xuất sẽ được điều chỉnh và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.
PV: Trên thực tế hiện vẫn còn khoảng cách phát triển khá lớn giữa Việt Nam và các nước thành viên TPP khác, vậy chúng ta sẽ làm thế nào để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn cao đặt ra trong TPP, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đúng là trước đây, thường các nước phát triển chủ động đề xuất và thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và áp đặt các tiêu chuẩn cao lên các nước đang phát triển. Khi Mexico đề xuất với Hoa Kỳ và Canada đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), rất nhiều người đã ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau đó họ đã tận dụng được cơ hội, vươn lên thành một nước OECD. Điều này đã giúp các nước đang phát triển chủ động hơn trong quá trình hội nhập.
Với Việt Nam, chúng ta đã chủ động và tích cực hội nhập từ khá lâu. Chúng ta đã gia nhập ASEAN từ năm 1996, tham gia Hiệp định BTA với Hoa Kỳ năm 2001, Hiệp định BIT với Nhật Bản năm 2003, gia nhập WTO vào năm 2007 và tiếp theo đó là rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và trên thế thế giới. Gần đây nhất, trong năm 2015, chúng ta đã ký kết thêm 2 Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh Á-Âu, kết thúc đàm phán FTA với EU. Như vậy, có thể nói, Việt Nam không còn quá xa lạ với hội nhập kinh tế quốc tế.
Tất nhiên, với tư cách là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, Việt Nam cũng là nước sẽ gặp phải thách thức lớn nhất, nhưng cũng là nước dự kiến có được cơ hội cao nhất khi Hiệp định TPP được đưa vào thực thi.
Mặc dù trình độ phát triển của Việt Nam còn một khoảng cách so với một số nước TPP và một số cam kết trong hiệp định này khá mới mẻ đối với chúng ta, như trong các lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước…. Tuy vậy, những lĩnh vực này thực chất cũng đã được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật của ta như Luật Đấu thầu, Luật Môi trường, Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật sở hữu trí tuệ….
Việt Nam cũng đã tham gia nhiều công ước, hiệp định về môi trường mà Hiệp định TPP yêu cầu phải tham gia. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã là thành viên của Tổ chức lao động thế giới (ILO) và ta cũng đã chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của tổ chức này khi tham gia.
Bên cạnh đó, trên thực tế, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đang hướng tới một nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, dễ dự đoán, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tất cả các hiệp định quốc tế nên việc ta tham gia Hiệp định TPP là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Việc tham gia Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn cao cũng giúp đẩy nhanh các quá trình xây dựng lại các thực thể kinh tế, đẩy mạnh cơ chế kinh tế theo định hướng thị trường, trong đó có cả vấn đề về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Những chính sách này phù hợp với mục tiêu và tiêu chuẩn của Hiệp định TPP. Vì thế, Việt Nam cũng không hoàn toàn quá bị động khi thực thi các tiêu chuẩn của TPP.
Việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao trong Hiệp định TPP cũng là một trong những cách để gây sức ép đối với quá trình đổi mới, hoạch định chính sách, sửa đổi pháp luật theo hướng minh bạch hóa hơn, dễ dự đoán, không gây phân biệt đối xử, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, nâng cao chỉ số cạnh tranh, giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, cắt giảm các chi phí hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, cắt giảm chi phí sản xuất, thương mại.
Từ những thay đổi nói trên sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tiến tới mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách tổng thể, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định xã hội. Các tiêu chuẩn cao này cũng gây ra sức ép buộc các nước khi phát triển kinh tế phải tính đến các yếu tố phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, lao động, sức khỏe con người, động thực vật và các lợi ích công cộng khác. Đây cũng là những mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới.
Đương nhiên, có những tiêu chuẩn cao mà Việt Nam và các nước có trình độ phát triển thấp trong TPP cần thêm thời gian để nâng cao năng lực, sửa đổi pháp luật, thủ tục, quy trình, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đối với những lĩnh vực này, Việt Nam sẽ được áp dụng những thời gian chuyển đổi thích hợp, nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước TPP phát triển hơn để đảm bảo đến một thời điểm nào đó, ta có thể sẵn sàng thực thi, áp dụng những tiêu chuẩn ngang bằng các nước TPP phát triển./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm cam kết Hiệp định TPP
Đạt thỏa thuận đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP), Việt Nam hứa sẽ thực hiện nghiêm cam kết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN |
“Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào ngày 5/10/2015 tại thành phố Atlanta, Hoa Kỳ.
Cùng với các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)…, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương.
TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP".