Cá khủng quý hiếm chưa từng thấy xuất hiện tại TP Vinh
Mới đây, một con cá tra dầu khủng, quý hiếm nặng 1 tạ chưa từng thấy đã xuất hiện tại nhà hàng Gà Thanh Chương 2, TP Vinh (Nghệ An).
Theo đó, vào chiều tối hôm nay (30/10), con cá tra dầu khủng, quý hiếm đã được Nhà hàng Gà Thanh Chương 2, ở Phường Vinh Tân, TP Vinh (Nghệ An) mua về từ một ngư dân Campuchia dùng lưới bắt được tại Biển Hồ (Campuchia) vào ngày 29/10, để phục vụ khách hàng.
|
Con cá tra dầu khủng quý hiếm tại nhà hàng Gà Thanh Chương 2, TP Vinh (Nghệ An). |
Qua quan sát, con Cá tra dầu này có đầu to và dẹp, miệng rộng với hai râu dài ở hàm trên, vây bụng dài đến vây đuôi, vây lưng nhỏ ở phía trước. Lưng cá có màu nâu thẫm, màu ở bụng và vây nhạt hơn. Con cá có chiều dài gần 2m và trọng lượng gần 98kg.
Ông Nguyễn Ngọc Toại, chủ nhà hàng Gà Thanh Chương 2, TP Vinh cho biết: “Con cá được mua lại từ một thương lái người Campuchia sau đó bảo quản cấp đông qua 2 chặng máy bay về đến TP. Vinh. Tôi mua con cá này vì trọng lượng rất lớn và cá rất hiếm. Hơn thế nữa, loại cá tra dầu này có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân yêu thích và có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau như lẩu, mẻ, nướng..”.
Giá mua con cá không được nhà hàng tiết lộ nhưng giá bán ra thị trường không dưới 1triệu đồng/kg. Cũng theo một số chuyên gia và nhà hàng thủy hải sản trên địa bàn Nghệ An, đây là loài cá tra dầu có trọng lượng lớn nhất được ghi nhận tại TP Vinh đến thời điểm này. Giá trị con cá khi bán ra thị trường ước tính khoảng 100 triệu đồng.
|
Là loại cá quý hiếm chủ yếu ở sông Mê Kông. |
Khi đưa về đến Nhà hàng Gà Thanh Chương 2, để đảm bảo cá tươi ngon, nhà hàng đã tiến hành xẻ thịt, bảo quản Cá tra dầu khổng lồ này. Nhận được thông tin, đã có nhiều thực khách đặt mua với số lượng lớn.
Cá tra dầu là loài cá đặc trưng sống ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, sinh trưởng nhờ ăn thực vật, thủy sinh, được biết đến là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Khi trưởng thành, loại cá này có thể đạt chiều dài 3m và nặng trên 300kg. Mặc dù lớn nhưng cá tra dầu chỉ ăn thực vật thủy sinh.
Theo các ngư dân, việc đánh bắt loài cá này khá khó khăn nên hầu hết con cá bị tổn thương nặng hoặc bị chết khi được đưa lên bờ.