"Cả đời tôi chỉ... mong được lên bờ"
Hôm chúng tôi xuống thăm xóm chài, gặp trời mưa, nước sông dâng cao. Vì thế, hầu như các gia đình trong xóm đều ở nhà. Ở xóm chài này, chẳng có ai là xóm trưởng, nhưng tính về thâm niên không ai qua được cụ Nguyễn Văn Phương 82 tuổi. "Tôi quê gốc ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Tháng 4/1953 tôi tham gia dân quân đi thồ gạo, tải lương phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ. Sau này trở quê nghèo khó, không có việc làm. Tôi đi làm nghề chài lưới kiếm sống và phiêu dạt về đây. Tôi sinh sống ở đây cũng phải được hơn 30 năm rồi", cụ Phương kể.
Gia đình cụ Phương chiếm diện tích trên quãng sông này nhiều nhất, tổng thể số lượng con cháu cụ cũng phải lên tới hơn 30 người. Các con cháu cụ trưởng thành đều lập gia đình với người trong xóm chài, sinh sống luôn ở trên thuyền. Đa số họ kiếm sống nhờ sông nước.
|
Khung cảnh nhộn nhịp vào cuối chiều. |
Cụ Phương tâm sự: "Mấy chục năm trời sống lênh đênh trên sông nước, khi trẻ tuổi thì không sao, nhưng tuổi càng cao càng thấy nhục nhã lắm. Số tôi khổ nên phải thế này, tầm tuổi tôi người ta được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu. Còn tôi vẫn phải lênh đênh trên sông nước để kiếm sống, nghĩ mà nhục nhã lắm chú ạ. Những ngày khô ráo còn đỡ, chứ vào mùa mưa tôi phải sống chung với mưa gió. Đời tôi đã khổ, con cháu tôi cũng không khá khẩm gì hơn, vẫn phải chạy vạy lo kiếm ăn từng bữa. Cả đời tôi chỉ ước mơ sẽ được chính quyền phân cho ít đất để xây cất mái nhà để ở, không phải lênh đênh trên sông nước nữa".
Theo cụ Phương, mấy năm trước phường Đông Thọ cũng đã tập hợp các hộ trong diện khó khăn trình lên TP Thanh Hóa để xem xét việc cấp đất làm nhà, nhưng không hiểu họ xét duyệt thế nào mà cụ Phương vẫn không đủ tiêu chuẩn. "Họ nói, việc xét duyệt đó phải theo quy trình. Tôi đã ngoài 80 tuổi, nếu Nhà nước cấp đất cho cũng không có tiền làm nhà. Vì thế, nếu cấp chỉ cấp cho con cái làm nhà cho bố mẹ ở cùng. Nhưng con cái tôi chưa được cấp đất thì làm nhà sao được. Nghèo khó, khổ sở đấy, nhưng biết làm sao bây giờ, họ không cấp cho phải chịu. Gia đình tôi chỉ được hỗ trợ 100.000đ mỗi dịp Tết", cụ Phương cho biết.
|
Anh Hòa buồn rầu khi tôm cá bị tận diệt. |
Chỉ mong ngày có hai bữa ăn
Nửa ngày tôi lênh đênh trên "mái nhà" của các gia đình nơi đây mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của họ. Chỉ cách phố phường tấp nập vài bước chân, nhưng cuộc sống của họ bị cô lập. Xóm chài càng cô quạnh hơn khi nghe hung tin một người trong xóm vừa mất trong tai nạn khi đi trèo dừa thuê.
Anh Lê Văn Hòa cho biết: Hơn 30 hộ gia đình ở đây sống bằng nhiều nghề, từ đi đạp xe ba gác, buôn bán đồng nát đến trèo cây thuê. Nếu không có nghề sông nước thì ai thuê gì làm nấy. Trước đây, gia đình anh làm nghề chài lưới, hằng ngày anh rong ruổi trên sông nước kiếm con tôm, con cá về cho vợ đi chợ bán. Có hôm trúng quả, anh cũng được trăm hơn, trăm kém. Nhưng mấy năm nay, việc người dân dùng kích điện để đánh bắt, cộng với ô nhiễm môi trường nước. Vì thế, tôm cá trên các lòng sông rạch bị hủy hoại. Hằng ngày, anh phải đi xa hàng chục cây số để đánh bắt, nhưng thu nhập chẳng được là bao. Cuối ngày vợ anh mang ra chợ bán tôm cá cũng chỉ được vài chục nghìn đồng để mua gạo, cùng ít thức ăn để sinh sống qua ngày.
"Tôm cá giờ khan hiếm lắm, nhiều hôm tôi đi đánh phải về không. Tình hình này, sắp tới tôi phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống thôi. Làm gì thì làm, chỉ mong sao ngày hai bữa có cơm để ăn, để vợ con không bị đói rách", anh Hòa tâm sự.
|
Kết nối với thế giới bên ngoài nhờ chiếc thuyền. |
"Cháu ước được đến trường"
Câu nói đó của cháu Nguyễn Thị Cúc (9 tuổi) làm cho tôi rưng rưng nước mắt. Cúc kể: "Gia đình cháu có 4 anh chị em nhưng tất cả chỉ được học đến lớp 2 rồi phải nghỉ học. Năm cháu học hết lớp 2, chuẩn bị lên lớp 3 thì bố mẹ cháu bảo, ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm. Nghe bố mẹ nói cháu đã òa lên khóc, cháu năn nỉ đến trường với thầy cô và các bạn mà không được. Bố mẹ bảo, cháu đi học thì ai trông em, cơm gạo không có mà ăn, lấy tiền đâu mà đi học. Vì thế, dù tiếc nuối nhưng cháu cũng đành phải nghe theo lời bố mẹ".
Cô bé Cúc vừa chèo thuyền vừa kể chuyện mà tôi không khỏi xót xa. Tôi móc trong túi đưa cho cháu ít tiền để mua kẹo và động viên tinh thần cháu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xóm chài này Cúc cũng chỉ là một trong số nhiều cháu không được đến trường. Các cháu phải ở nhà làm việc nhà, chăm sóc em để bố mẹ kiếm sống.
|
Bỏ lại sau lưng mái trường, hằng ngày Cúc phải làm việc giúp bố mẹ. |
Chị Nguyễn Thị Minh cho hay, các cháu nhỏ ở xóm chài này đều thất học. Gia đình chị cũng vậy có 3 cháu đến tuổi đến trường, nhưng chỉ học giữa chừng phải nghỉ. "Thực sự, vợ chồng tôi cũng muốn cho các cháu ăn học đến nơi, đến chốn. Thế hệ chúng tôi cũng khổ vì thất học, nhưng cho các cháu đến trường làm sao được khi mà miếng ăn còn không đủ. Hằng ngày để có bữa ăn, vợ chồng tôi phải làm lụng rất vất vả. Muốn cho các cháu đến trường, nhưng không có tiền nên đành chịu. Sống trong căn lều chật chội và lênh đênh trên sông nước làm sao các cháu có thể học bài. Khổ lắm chú ạ", chị Minh tâm sự.
Chiều về, xóm chài nhộn nhịp tấp nập, người ra người vào. Các gia đình bắt đầu nhóm than tổ ong để nấu cơm, tạo cho khung cảnh sông nước mù mịt khói. Dù không biết ngày mai, cuộc sống họ như thế nào, nhưng họ vẫn phải sống, vẫn phải tin vào ngày mai tươi sáng.
"Xóm chài dưới chân cầu Sâng do chúng tôi quản lý. Xóm chài này có nhiều người gốc ở phố Thành Công, do không có nhà cửa, đất đai nên họ đã xuống đó sinh sống trong nhiều năm. Thời gian qua, chính quyền cũng đã cấp đất cho nhiều hộ dân nơi đây, di cư đến nơi khác để ổn định cuộc sống. Hiện nay, xóm chài còn khoảng 30 hộ, họ làm nghề sông nước và làm thuê để sinh sống. Vì thế, nhiều gia đình nghèo khó, các cháu nhỏ tuổi không được đến trường học hành. Đặc biệt, trong xóm chài nhiều gia đình anh em kết hôn với nhau".
Ông Đỗ Xuân Thủy (Trưởng khu phố Thành Công, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa)