Bác sĩ BV Việt Pháp chỉ đeo khẩu trang khi khám ca 237, có đúng quy định?
Liên quan ca nhiễm COVID-19 thứ 237, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đã xác định được 101 trường hợp F1, trong đó, có tới tới 89 y, bác sĩ của 4 bệnh viện lớn và gần 200 trường hợp F2.
Cụ thể, khách sạn nơi bệnh nhân lưu trú tại phường Bồ Đề, Long Biên: 12 trường hợp F1, BV Đức Giang: 18 trường hợp F1, Viện Huyết học truyền máu TW: 45 F1, Bệnh viện E: 4 trường hợp F1, Bệnh viện Việt Pháp: 22 trường hợp F1. Tất cả các trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo dõi tại khách sạn và bệnh viện. 200 trường hợp F2 cũng được lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại nhà.
Một thông tin đáng chú ý, kết quả điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Việt Pháp cho thấy, trong quá trình khám bệnh cho bệnh nhân trên, dù đưa vào phòng cách ly ngay để khám sàng lọc bộ, điền tờ khai y tế.
Tuy nhiên quá trình khám cho bệnh nhân này tại các khoa Cấp cứu, Nội hô hấp, Da liễu, Nội thần kinh, các bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp chỉ đeo khẩu trang thông thường và mặc đồng phục của bệnh viện, không mặc đầy đủ phòng hộ cá nhân.
Dư luận đặt câu hỏi, các bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 mà chỉ đeo khẩu trang thông thường có đúng quy định để bảo vệ an toàn cho bản thân, phòng ngừa lây nhiễm? Bệnh viện Việt Pháp bảo hộ cho bác sĩ như vậy có chủ quan?
Trao đổi với PV Kiến Thức, lãnh đạo Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, việc bảo hộ cho các bác sĩ được quy định rõ tại Quyết định 468 của Bộ Y tế ngày 19/2/2020.
Quyết định 468 hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế nêu rõ, COVID-19 có nguy cơ lây cao nên công tác sàng lọc, phát hiện sớm, cách ly kịp thời là rất quan trọng. Người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 phải được cách ly ngay và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây truyền.
Đồng thời, sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa theo đường lây truyền phù hợp với tình huống trong chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 gồm hai loại.
Loại thứ nhất là quần áo choàng và mũ trùm đầu riêng biệt gồm Áo choàng chống thấm hoặc áo choàng có kèm tấm choàng chống thấm, quần chống thấm, tạp dề chống thấm, khẩu trang y tế, khẩu trang hiệu lực lọc cao (N95), kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, găng tay y tế, mũ chụp tóc (loại trùm kín đầu và cổ), bao giầy loại ống cao, ủng cao su.
Loại thứ 2 là quần liền, áo choàng và mũ trùm đầu gồm bộ quần, áo choàng, mũ; bao giầy loại ống cao, tạp dề chống thấm; khẩu trang y tế, khẩu trang N95, kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, găng tay y tế, găng cao su, bao giầy chống thấm loại ống cao, ủng cao su.
“Nếu bệnh nhân khám bệnh bình thường thì việc bác sĩ đeo khẩu trang là đúng. Trường hợp bệnh nhân 237 khi vào Bệnh viện Việt Pháp là trường hợp mới được đưa vào bệnh viện khám chứ không phải khám COVID-19. Do vậy, các cơ sở y tế đều bất ngờ là có thể hiểu được”, lãnh đạo Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết.
Bệnh viện Việt Pháp nói gì?
Liên quan thông tin trên, ngày 4/4, Bệnh viện Việt Pháp phát đi thông tin khẳng định đã thực hiện theo đúng quy trình và vẫn an toàn sau khi bệnh nhân 237 có mặt ở đây.
Theo Bệnh viện Việt Pháp, bệnh nhân người Thụy Điển (ca 237) được 115 đưa đến khám tại BV Việt Pháp Hà Nội vào ngày 26/0 vì ngã trên đường. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân được sàng lọc theo đúng hướng dẫn và không có bất kỳ triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ cho một ca nghi nhiễm COVID-19.
Chính vì vậy, bệnh nhân được tiếp nhận và được các chuyên khoa liên quan hội chẩn tại Phòng khám cấp cứu. Nhưng vì lý do tài chính, bệnh nhân đã từ chối điều trị. Bệnh nhân được di chuyển bằng xe lăn vì không tự đi lại được, vì vậy khả năng lây nhiễm rất ít.
Vào ngày 30/03/2020, bệnh nhân quay lại Bệnh viện để lấy hộ chiếu và thông báo không có đủ điều kiện tài chính nên từ chối điều trị và ra về sau khoảng 10-15 phút.
Ngày 3/4/2020, Bệnh viện nhận được thông báo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương về kết quả dương tính với COVID-19 của trường hợp bệnh nhân 237 này. Ngay lập tức, Bệnh viện lập danh sách và cách ly các nhân viên y tế, điều dưỡng và hành chính khoa cấp cứu của Bệnh viện có tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo kết quả từ CDC Hà Nội, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy vậy, những nhân viên này đều được cách ly trong vòng 2 tuần, kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân.
Bệnh viện Việt Pháp cho biết, tất cả bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên làm việc ở vị trí tiếp nhận bệnh nhân luôn mang khẩu trang y tế, găng tay, kính bảo hộ khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
“Những nhân viên làm việc tại khu vực sàng lọc còn mang đồ bảo hộ cá nhân chuẩn. Bệnh nhân được cung cấp khẩu trang và yêu cầu rửa tay tại khu vực sàng lọc trước khi bước vào tòa nhà. Toàn bộ khẩu trang và được trang bị thiết bị phòng hộ cá nhân đều được loại bỏ như rác thải y tế, và việc khử trùng được thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế và CDC Hà Nội”, Bệnh viện Việt Pháp cho hay.
Đồng thời, theo thông tin từ Bệnh viện Việt Pháp, bệnh viện cũng lập danh sách những người tiếp xúc gián tiếp để theo dõi tình hình sức khỏe theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, những người tiếp xúc gần (F1) âm tính, nên những người tiếp xúc gián tiếp mặc nhiên không cần cách ly ở nhà theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội khẳng đinh, luôn tập trung giữ an toàn cho bệnh nhân, nhân viên và khách thăm.
“Tất cả bệnh nhân, khách hàng đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân thân nhiệt và khai báo thông tin y tế và yếu tố dịch tễ trước khi bước vào tòa nhà. Việc sàng lọc cũng được triển khai với toàn bộ nhân viên của Bệnh viện”, bệnh viện này cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày
Nguồn: VTC Now.