Doanh nghiệp 3 đời lãnh đạo vướng vòng lao lý
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ban hành quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc Tổng công ty máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thông tin này đã được VEAM công bố.
Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM, vừa bị bắt. |
VEAM tiền thân công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty con, thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 18/1/2017, theo quyết định về việc cổ phần hóa Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM tổ chức thành công ĐHĐCĐ lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP. Hiện Bộ Công Thương đang nắm giữ hơn 88% vốn của doanh nghiệp này.
Nhiều năm liền trước đó, các lãnh đạo của VEAM cũng vướng vào vòng lao lý như ông Phan Phạm Hà vì các sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, hồi tháng 10/2022, Công an TP Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng giám đốc VEAM. Cùng bị khởi tố với ông Giang còn có Phó Tổng giám đốc VEAM Hồ Mạnh Tuấn. Ông Giang và ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cơ quan chức năng cáo buộc trong năm 2005 và 2011, ông Giang chỉ đạo ông Tuấn (lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea) lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ôtô SV110. Việc mua phụ kiện này bị cơ quan điều tra cho rằng không đúng quy định về đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước. Số tài sản trên do không có giá trị sử dụng nên bỏ không, gây lãng phí cho Nhà nước gần 27 tỷ đồng.
Vào năm 2023, ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM cũng bị tuyên án 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát.
Ông Hà bị cáo buộc với tư cách là Chủ tịch HĐTV (2011-2014), Tổng giám đốc (2015-2018) đã để cho cấp dưới tại VEAM tham mưu, trình và ký các chứng thư bảo lãnh vay cho Vetranco. Ông Hà cũng là người quyết định chi tiền cho hai dự án bị dừng giữa chừng. Những hành vi của ông Hà gây thiệt hại cho VEAM hơn 127 tỷ đồng.
Cùng tội danh, cựu Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang cũng bị phạt 8 năm tù, do là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiệt hại do ký chứng thư bảo lãnh cho Vetranco.
Sản phẩm xe tải VEAM S80 tại triển lãm Autotech & Accessories 2023 ở TP.HCM. (Ảnh: Báo Giao thông). |
Doanh nghiệp làm ăn sao?
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của VEAM đạt hơn 3.806 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.265 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 18% so với năm 2022. Lợi nhuận chủ yếu của VEAM đến từ phần vốn nắm giữ tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và Ford Vietnam.
Tính đến cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam).
Theo Báo Giao thông, hàng năm, VEAM với tư cách cổ đông lớn đại diện phần vốn của Nhà nước, được chia lợi nhuận từ các liên doanh theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng), bất chấp năm 2023 thị trường ô tô xe máy suy giảm mạnh.
Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 6,414 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 5,489 tỷ đồng. Công ty cho biết nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe đang sản xuất, cũng như các dòng xe mới đưa ra thị trường.