Chiều (17/3), đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất và giao Sở rà soát, ký kết thỏa thuận và hợp đồng với Công ty TNHH Thường Nhật về việc đầu tư hai tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TPHCM.
Dự kiến, TPHCM sẽ đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông đầu tiên (tuyến số 1) vào đầu tháng 6 tới.
TPHCM sẽ có tuyến buýt đường sông đầu tiên vào tháng 6 tới.
|
Tuyến số 1 (Bến Bạch Đằng (quận 1) – Linh Đông (quận Thủ Đức) dài khoảng 10,8 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1), tàu sẽ di chuyển trên sông Sài Gòn ra kênh Thanh Đa và quay lại sông Sài Gòn đến vị trí bến khách ngang sông Bình Quới - khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) và ngược lại. Tuyến số 1 có 7 bến đón trả khách thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Sau khi tuyến số 1 đi vào hoạt động, công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư) sẽ đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 2 (bến Bạch Đằng - quận 8).
Tuyến số 2 của buýt sông có chiều dài 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1), tàu sẽ theo sông Sài Gòn về rạch Bến Nghé và Kênh Tàu Hũ đến bến Lò Gốm (phường 7, quận 8) và ngược lại. Tuyến số 2 có 7 điểm đón trả khách thuộc các quận 1, 4, 5, 6, 8.
Cả hai tuyến buýt đường sông sẽ được kết nối với các tuyến xe buýt để đưa đón hành khách đến các địa điểm trong thành phố (và ngược lại). Hiện nay, Sở GTVT đang thực hiện thủ tục xác định ranh, mốc và sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng bến bãi, nhà chờ hành khách.
Theo ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc công ty TNHH Thường Nhật, thời gian đầu, nhà đầu tư sẽ đưa vào khai thác 2 tàu buýt đường sông; sau đó sẽ tiếp tục tăng cường 6 tàu (loại 80 chỗ) để phục vụ hành khách đi lại trên 2 tuyến. Tổng vốn đầu tư hai tuyến buýt đường sông là trên 120 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Ông Toản cho biết với chiều dài toàn tuyến khoảng 11 km, nếu tính cả thời gian dừng đón trả khách thì buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, thời gian đi lại chỉ bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến.
Để tạo thuận tiện cho việc đi lại của hành khách và đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư, buýt đường sông phải có sức chứa khoảng 80 chỗ/phương tiện. Dọc hai bên sông của hai tuyến cần có các bến vừa là nơi lên xuống, vừa giữ xe của khách và khai thác kinh doanh.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, giá vé buýt đường sông (nếu không trợ giá) sẽ vào khoảng 30.000 đồng/vé. Muốn thu hút hành khách sử dụng buýt đường sông, thành phố cần có chính sách trợ giá để kéo giảm giá vé xuống mức chấp nhận được (khoảng 15.000 đồng/vé) bởi ngoài vai trò giảm tải cho đường bộ, buýt đường sông còn đóng góp cho hoạt động du lịch và các sinh hoạt cộng đồng khác.
Năm 2010, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương dự án xây dựng, khai thác hai tuyến buýt đường sông theo đề xuất của công ty Thường Nhật (TPHCM) tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị trì hoãn, kéo dài gần 7 năm, dẫn đến vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 58 tỷ đồng đã đội lên hơn 120 tỷ đồng.
Bài đang được đọc nhiều:
>>> Cận cảnh robot hiện đại khoan hầm metro ở Sài Gòn
>>> Cảnh vỉa hè Hà Nội như “bãi chiến trường” sau khi đập bậc tam cấp
>>> Ảnh: Váy ngắn khó nhọc xoạc chân khi “xóa sổ” bậc tam cấp
>>> Người dân chặn trước cửa nhà phản đối tháo dỡ bậc tam cấp
>>> Ảnh: Chủ cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội kiên quyết không trả vỉa hè