Tàu MAVEN của NASA chụp lại bức ảnh Hỏa tinh với ánh sáng cực tím. Ảnh: NASA. |
Theo tạp chí Space, các nhà thiên văn học đã sử dụng tàu vũ trụ Mars Atmosphere and Volatile EvolutioN (MAVEN) của NASA để chụp những bức ảnh mới về “hành tinh đỏ”. Con tàu được gắn thiết bị quan sát quang phổ cực tím (IUVS), có thể đo các bước sóng trong khoảng 110-340 nm. Đây là khoảng bên ngoài quang phổ có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Các vùng màu tím của ảnh đại diện cho ozone trong bầu khí quyển của Hỏa tinh, trong khi những vùng màu trắng và xanh dương đại diện cho các đám mây hoặc sương mù. Bề mặt của hành tinh này xuất hiện màu nâu hoặc xanh lục trong những hình ảnh mới.
“Bằng cách quan sát hành tinh ở bước sóng cực tím, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về bầu khí quyển của Hỏa tinh và nghiên cứu những đặc điểm bề mặt”, đại diện của NASA cho biết vào ngày 23/6.
Những bức ảnh mà NASA chia sẻ vào ngày 22/6 được chụp khi hành tinh này ở gần 2 đầu đối diện của quỹ đạo quanh Mặt Trời. Giống như Trái Đất, Hỏa tinh quay trên một trục nghiêng, khiến nó cũng trải qua 4 mùa khác nhau.
Tuy nhiên, các mùa trên Hỏa tinh lại kéo dài hơn so với trên Trái Đất do một năm tại đây bằng 2 năm tại hành tinh chúng ta.
Hình ảnh đầu tiên được chụp vào tháng 7/2022 cho thấy Argyre Basin, một trong những miệng núi lửa sâu nhất của Hỏa tinh, xuất hiện đầy mây mù. Nhiệt độ ấm hơn của mùa hè tại đây làm cho các chỏm băng ở cực nam co lại, do đó giải phóng carbon dioxide và khiến bầu khí quyển dày hơn.
“Sự nghiên cứu về khí quyển giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức hình thành khí hậu, nước lỏng và khả năng sinh sống trên Hỏa tinh”, đại diện NASA nói thêm.
Trong khi đó, hình ảnh thứ hai được chụp vào tháng 1 khi bán cầu bắc của “hành tinh đỏ” đi qua điểm xa nhất trên quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời, gây ra vô số mây trắng ở vùng cực bắc. Sự tích tụ ozone cũng có thể được quan sát thấy thông qua các bức ảnh.
Tuy nhiên, việc gia tăng hơi nước vào mùa xuân tại Hỏa tinh sẽ phá hủy mảng ozone này ở bán cầu bắc.