Theo tuyên bố chung đưa ra ngày 15/7, vị chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) tới từ Ấn Độ. Vị trí này sẽ luân phiên giao cho các đại diện trong khối BRCIS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Các lãnh đạo nhóm BRICS chụp ảnh lưu niệm ngày 15/7. |
Các lãnh đạo BRICS hội ý với nhau trong một phiên họp kín trước đó cùng ngày tại hội nghị diễn ra ở phía đông bắc Brazil. Sau đó, họ công bố kế hoạch cụ thể của ngân hàng này vào cuộc họp báo vào buổi trưa 15/7.
Ngân hàng mới này được coi là một sự thúc đẩy mạnh mẽ của BRCIS để đối chọi với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó Mỹ và châu Âu luôn nắm vai trò trung tâm ở các thể chế tài chính trên.
“Dựa vào các nguyên tắc trong giới ngân hàng, NDB thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong khối chúng ta và sẽ bổ sung cho các nỗ lực của những thể chế tài chính khu vực và đa phương đối với sự phát triển toàn cầu”, báo cáo cho biết.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, quyết định thành lập NDB “xác nhận rằng, các quốc gia thành viên BRICS, trong khi đang nói về các hành động đơn phương trong nền kinh tế và chính trị thế giới, không tìm kiếm sự đối đầu nhưng đề xuất cách thức tiếp cận tập thể đối với việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào”.
NDB sẽ có chi nhánh ở châu Phi với trụ sở ở Nam Phi và cuối cùng ở các nước có khả năng gia nhập BRICS.