Nhưng dưới 10 triệu đồng có rất nhiều mức giá. Vậy theo bạn, Bphone 2 bán với mức giá nào thì bạn sẽ mua?
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng viễn thông đi động Thế Giới Di Động, xác nhận với ICTnews cho biết hệ thống này sẽ bán Bphone thế hệ tiếp theo của Bkav. Không tiết lộ Bkav ra mấy mẫu Bphone nhưng ông Hiểu Em cho biết Thế Giới Di Động sẽ bán mẫu máy của Bkav trong tháng 8, với mức giá dưới 10 triệu đồng.
Trước đây khi trao đổi với ICTnews về khả năng thành công của Bphone, ông Hiểu Em cũng cho rằng giá máy nên ở mức dưới 10 triệu đồng để tăng tính cạnh tranh.
Không rầm rộ trước giờ ra mắt như Bphone năm 2015 nhưng lần này chiếc điện thoại của ông Nguyễn Tử Quảng vẫn nhận được quan tâm nhiều từ cộng đồng.
Ông Hiểu Em (Ảnh trái) bắt tay cùng ông Nguyễn Tử Quảng. |
Bình luận với ICTnews trước đây, ông Mai Triều Nguyên - chủ hệ thống Mai Nguyên - cho biết sự quan tâm của mọi người dành cho Bphone hiếm công ty Việt Nam nào có được. Tuy nhiên sự quan tâm này vẫn dừng ở mức tò mò, hiếu kỳ. Bphone cần xây dựng được niềm tin từ người dùng bằng cách thể hiện qua chất lượng của máy.
Đồng tình với ý trên, ông Hiểu Em đánh giá Bphone làm tiếp thị tốt nhưng họ cần chú trọng về chất lượng và có kênh phân phối phù hợp.
Bkav chủ động tìm tới Thế Giới Đi Động và cả hai bên đã làm việc với nhau được khoảng 2 tháng trước cuộc gặp chiều tối qua. Chia sẻ về người có biệt danh Quảng "nổ", ông Hiểu Em viết trên trang cá nhân cho biết CEO Bkav có "niềm đam mê, sự mày mò sáng tạo không ngừng nghỉ và cả một tình yêu dân tộc rất lớn".
Với những quyết tâm và đam mê của mình, ông Quảng và Bkav đã lần đầu cho mắt một smartphone mang thương hiệu Việt có mức giá trên 10 triệu đồng. Nếu lần này Bphone có giá từ 8-10 triệu thì nó cũng có thể là smartphone Việt được xác định giá ở phân khúc cao cấp, điều chưa hãng điện thoại Việt nào làm được.
Vẫn chưa biết Thế Giới Di Động có phải là kênh bán hàng duy nhất của Bphone hay không, tuy nhiên việc chọn hệ thống này để phân phối chứng tỏ sự quan tâm đúng đắn của Bkav về tầm quan trọng của kênh phân phối.
Việc bán hàng chỉ qua online, với thị phần khoảng 10-15% so với tổng cộng, như cách làm trước đây của Bphone sẽ hạn chế sự tiếp cận của người dùng với sản phẩm này. Chưa kể thói quen người Việt Nam vẫn cần cầm máy trên tay dùng thử trước khi mua thì việc trưng bày máy ở một cửa hàng là cần thiết.
Thế Giới Di Động đang có hệ thống gần 1.500 cửa hàng toàn quốc, chiếm thị phần lớn nhất ở mảng bán lẻ di động hiện nay. Trung bình 3 máy di động bán ra tại Việt Nam có 1 máy của Thế Giới Di Động.
Do đó, việc được bày bán sản phẩm ở hệ thống này không hề dễ dàng, nhất là với các thương hiệu mới và chưa có dấu ấn đáng kể nào. Việc Bphone bán tại đây sẽ là cơ hội để máy tiếp cận với tập khách hàng lớn, gia tăng khả năng thành công của sản phẩm.
Nếu tính về bài toán bán hàng, Bphone hiện đã có sự quan tâm lớn từ nhiều giới, đã có kênh bán hàng lớn nhất nước, thì việc còn lại chỉ nằm ở khả năng nội tại của sản phẩm. Nếu máy có chất lượng tốt, giá thành hợp lý thì khả năng được đón nhận rất cao.