Khi mua bóng cá nên chọn loại có màu trắng đục hay vàng nhẹ, khô ráo, có độ cứng giòn đặc trưng. Tránh mua loại có màu vàng sậm, ẩm ướt, mốc hoặc có mùi tanh nồng. Không nên mua nhiều để dự trữ vì bóng cá rất dễ chuyển màu và mốc. Khi chế biến, rửa sạch, ngâm bóng cá trong nước gừng có pha ít rượu trắng để loại bỏ mùi tanh.
Theo Đông y, bóng cá vị ngọt, tính bình; vào thận. Có tác dụng bổ thận ích tinh, tư dưỡng cân mạch, chỉ huyết, tán ứ tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, uốn ván kinh giật, băng huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết. Liều dùng, cách dùng: 9-50g, nấu, hầm, xào, rán.
Bóng cá xào ngũ vị là món ăn có tác dụng trị di tinh, hoạt tinh rất tốt. |
Một số món ăn - bài thuốc có bóng cá:
Cháo bóng cá: Bóng cá 50g, gạo nếp 50g. Bóng cá rửa sạch, ngâm mềm trong nước gừng có pha rượu, thái nhỏ, nấu thành cháo, thêm muối mắm gia vị. Dùng cho phụ nữ bị đau bại vùng thắt lưng, huyết trắng, ăn kém không tiêu do tỳ thận hư nhược.
Bóng cá hấp đường: Bóng cá 30g, đường trắng 60g. Bóng cá chế biến, đường hòa tan trong nước, cho vào nồi, đun cách thủy cho chín nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục một đợt 7 - 10 ngày. Dùng cho trường hợp trĩ lậu đại tiện xuất huyết.
Trứng gà chiên bóng cá: Bóng cá 150g. Bóng cá chế biến, nướng chín vàng tán bột mịn, mỗi lần dùng 15 - 30g, trộn với 2 quả trứng gà, hấp hoặc chiên trên chảo. Khi ăn, uống với nước ấm có pha chút rượu. Dùng đợt 5 - 7 ngày cho phụ nữ bị bạch đới, khí hư rong kinh rong huyết, kinh nguyệt không đều.
Bóng cá ngũ vị: Bóng cá 50g, lạp xường 3 cây, ớt xào 1 quả, hành lá 2 - 3 nhánh, rượu mai quế lộ 1/3 thìa súp, tỏi 1 củ và gia vị. Bóng cá rửa sạch, ngâm trong nước gừng và rượu, vắt nước thái miếng; lạp xường, ớt sào thái lát; hành rửa sạch thái ngắn. Bóng cá rán trong dầu đến màu vàng, vớt ra để ráo. Tỏi đập giập, băm nhỏ, phi trong dầu đến thơm, cho lạp xường vào rán chín, sau đó cho hạt điều, ớt và rượu mai quế lộ, hạt nêm vừa ăn. Cho bóng cá rán và hành vào, đảo nhanh và tắt bếp. Món khai vị có tác dụng bổ tỳ thận. Chữa di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết.
Kiêng kỵ: Người có rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đàm thấp không dùng.
TS.Nguyễn Tiểu LanTheo SKDS