Bông Bạch Tuyết lên phương án xóa sạch nợ tại Maritime Bank sau nhiều năm lận đận

(Vietnamdaily) - Vừa mới đây, Hội đồng quản trị của CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) thông qua phương án xử lý nợ tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank, MSB).
 

Theo đó, Công ty sẽ thanh toán 18 tỷ đồng cho Maritime Bank chậm nhất ngày 26/11 để tất toán toàn bộ khoản vay, nhằm được miễn giảm toàn bộ số dư nợ lãi tính đến thời điểm hiện tại là 2,5 tỷ đồng.

Để có nguồn tiền trả nợ, Bông Bạch Tuyết sẽ đi vay tại CTCP May Sài Gòn 3, đây là tổ chức có liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị. Đây là khoản vay ngắn hạn từ 26/11 đến 10/12 với lãi suất 10%/năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 8/2018, Bông Bạch Tuyết cho biết, chủ nợ lớn nhất của công ty hiện nay là Maritime Bank, với tổng giá trị khoản nợ là 43,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 19,9 tỷ đồng và nợ lãi 23,5 tỷ đồng. Bông Bạch Tuyết đã trả xong khoản nợ gốc 19,9 tỷ đồng nhưng vẫn còn khoản nợ lãi.

Trước đó, vào đầu năm 2018, Bông Bạch Tuyết gặp biến cố khi bị phát mãi tài sản đất đai, nhà xưởng và máy móc, xuất phát từ khoản nợ lãi đối với Maritime Bank.

Do đó, thương hiệu Bông Bạch Tuyết bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số khách hàng lớn là các công ty dược đã hạn chế thậm chí ngưng hợp tác. Vào thời điểm đó, một số nhân viên bán hàng, quản lý bán hàng… của Công ty đã chủ động xin nghỉ do không an tâm làm việc, dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự tại bộ phận kinh doanh.

Về tình hình kinh doanh, năm 2018, Bông Bạch Tuyết sản xuất được 655 tấn sản lượng, đạt hơn 95% kế hoạch và tăng gần 9% so với thực hiện năm 2017. Doanh thu gần 98 tỷ đồng, đạt hơn 86% kế hoạch và suýt soát với con số ghi nhận trong năm 2017. Lợi nhuận trước thuế gần 13 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và giảm 17% so với kết quả cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của Bông Bạch Tuyết trong năm 2018 được sử dụng để để bù đắp lỗ lũy kế theo quy định, do đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2018 còn âm gần 52 tỷ đồng.

Bong Bach Tuyet len phuong an xoa sach no tai Maritime Bank sau nhieu nam lan dan
 Bông Bạch Tuyết lên phương án trả nợ cho Maritime Bank.

Năm 2019, Bông Bạch Tuyết đặt kế hoạch sản lượng sản xuất đạt 660 tấn, tăng 6% so với thực hiện năm 2018; doanh thu 112 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế tăng 17%, ở mức gần 15 tỷ đồng (chưa tính dự án Nguyễn Văn Săng).

Về dự án Nguyễn Văn Săng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở số 1 đường Nguyễn Văn Săng là Công ty TNHH Địa ốc Tân Phú (công ty liên doanh giữa BBT và Công ty PDG đã được UBND TPHCM chấp thuận), từ tháng 4/2017 đến nay vẫn tạm ngưng triển khai, dù đã được UBND Thành phố phê duyệt. Năm 2018, dự án vẫn chưa được ghi nhận doanh thu, trong khi năm 2017 dự án này đã mang về cho BBT 1.5 tỷ đồng doanh thu.

Tính đến cuối năm 2018, Bông Bạch Tuyết có tổng giá trị tài sản 96,1 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm hơn 23 tỷ đồng. Bông Bạch Tuyết đang có nợ phải trả gần 70 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là chi phí phải trả ngắn hạn.

Tại thời điểm tháng 6/2019, cổ đông lớn của Bông Bạch Tuyết chính là CTCP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Sài Gòn 3 với tỷ lệ nắm giữ 6,63%, CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC) nắm 13,65%.

Cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết đang giao dịch trên sàn UPCoM quanh mức giá 15.500 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 14% trong vòng 1 năm qua.

Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.

Đến năm 1975, Nhà máy được Quốc hữu hoá và năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết. Sau đó năm 1992 đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết. Đây là giai đoạn Bông Bạch Tuyết nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường cả nước và phát triển mạnh mẽ.

5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.

Với kết quả kinh doanh khả quan, tháng 3/2004, Bông Bạch Tuyết đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Thế nhưng, kể từ đó, kết quả kinh doanh của công ty sa sút. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Bông Bạch Tuyết sa lầy là do không cân đối được sản xuất và bán hàng. Công ty đã nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng.

“Huyền thoại” Bông Bạch Tuyết trở lại sàn chứng khoán như thế nào?

Từng là một trong những doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu đầu tiên trên thị trường, sau gần 10 năm vắng bóng, CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) đã quay trở lại sàn Upcom trong ngày 12/06/2018.

 
Với mức giá tham chiếu chỉ 2.300 đồng/cổ phiếu, BBT tăng kịch trần trong ngày chào sàn khi đóng cửa ở mức giá 3.200 đồng/cổ phiếu.

Chây ỳ công bố thông tin, Bông Bạch Tuyết bị Ủy ban Chứng khoán ‘gõ đầu’

(Vietnamdaily) - Ngày 01/11/2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) tổng số tiền 145 triệu đồng.

Theo đó, Bông Bạch Tuyết bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể là thông tin về việc phát mãi tài sản theo Quyết định số 55/QĐ-CTHADS ngày 13/12/2017 của Cục thi hành án dân sự TP HCM về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản; Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Đồng thời, Bông Bạch Tuyết cũng bị phạt 85 triệu đồng vì vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về triệu tập Đại hội đồng cổ đông (không gửi phiếu biểu quyết kèm theo thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018).

Tin mới

LynkiD được vinh danh giải vàng Make In Vietnam

LynkiD được vinh danh giải vàng Make In Vietnam

(Vietnamdaily) - Ngày 15/01/2025, giải thưởng Make In Vietnam 2024 đã chính thức gọi tên LynkiD – Nền tảng tích điểm đổi trải nghiệm cho giải Vàng “Sản phẩm công nghệ tiềm năng” và Top 10 sản phẩm công nghệ số.