Theo The Paper, khi tìm kiếm từ khóa "tự do tài chính tuổi 20", dân mạng Trung Quốc không khó để bắt gặp những dòng chia sẻ phi thực tế như: "Năm 17 tuổi, tôi bỏ học, gặp và yêu chồng hiện tại. Tôi nhạy bén trong kinh doanh và đã buôn bán từ rất sớm. Tôi hiện sở hữu 7 căn nhà, một biệt thự, một cửa hàng, 3 ôtô".
Một nhân viên bán hàng của thương hiệu xe hơi Đức nổi tiếng tiết lộ với phóng viên rằng tại các cửa hàng của hãng, họ thường xuyên gặp tình huống một doanh nghiệp nào đó trên WeChat đến nhận xe nhưng đưa cả nhóm người đến thay nhau chụp ảnh check-in. Những người này sau đó đồng loạt đăng ảnh lên trang cá nhân và giả vờ là chủ của chiếc xe đó.
Theo phân tích, những năm gần đây trào lưu khoe của đã góp phần hình thành nên ngành công nghiệp khép kín, bao gồm dịch vụ cung cấp công cụ sống ảo cho đến hỗ trợ xây dựng cuộc sống xa hoa giả tạo cho người dùng.
Nhiều blogger muốn thu hút sự chú ý để bán hàng thường cố vẽ ra cho mình một cuộc sống sang chảnh giả tạo. Ảnh: The Nation. |
Tìm kiếm từ khóa "Ferrari Car" cho ra khoảng 600 bài đăng của chủ sở hữu khác nhau. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Ferrari tiết lộ trong 3 quý đầu năm 2020, chỉ có 181 chiếc siêu xe Ferrari được bán tại các thị trường Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong.
Điều bất hợp lý là chủ nhân những chiếc siêu xe trên mạng lại đa số là phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20. Cuộc sống của những người này dường như chỉ bao quanh bởi hàng hiệu, xe sang, dịch vụ xa xỉ. Song điều đó vượt ra ngoài mức sở hữu thực tế trong nước.
Danh tính của nhiều người chủ rất khó để xác minh, thậm chí có những kẻ đội lốt giàu sang để PR trá hình hay lừa đảo.
Một blogger ở Xiaohongshu, tự nhận đang sống ở New York, đã đăng bức ảnh đang tựa vào chiếc Rolls-Royce trong cửa hàng, với dải ruy băng hoa đỏ đánh dấu lễ giao xe. Cô khoe đây là món quà do chồng tặng vào dịp sinh nhật của mình. Trong một bức hình khác, cô đeo chiếc nhẫn kim cương lớn với ngón tay đặt trên vô lăng xe.
Nhóm "quý cô" trên mạng ở Thượng Hải từng bị bóc mẽ thuê đồ sang để check-in. Ảnh: The New York Times. |
Blogger này có hơn 70.000 người hâm mộ, trong đó bài đăng về chiếc Rolls-Royce đã nhận được gần 10.000 lượt thích và hàng nghìn bình luận. Tuy nhiên, ngoài bức ảnh bàn giao chiếc xe sang này, cô không đưa ra bất kỳ bức ảnh nào khác chụp mình ngồi trên xe trong 3 năm sau đó.
Trên trang cá nhân, cô chỉ đăng hình chiếc móc khóa Rolls-Royce, những ảnh khui loạt túi Hermès và đồng hồ nữ Patek Philippe khó xác định độ thật giả cùng một số quảng cáo cho các thương hiệu làm đẹp không tên tuổi.
Một chuyên gia của mạng lưới đa kênh MCN nói rằng loại bài đăng này là một kiểu "phô trương sự giàu có" giả mạo điển hình, nhằm mục đích câu kéo lượng truy cập để chủ kênh có thể hưởng số tiền hoa hồng lớn hơn khi quảng cáo.
Muốn gây tò mò, tạo sự ngưỡng mộ trong lòng người xem song các blogger chuyên khoe của lại thường thể hiện rất mơ hồ khi nói về con đường thành công của mình.
Ví dụ khi được hỏi làm sao để có nhiều tiền như vậy, cô nàng khoe Rolls-Royce đã đáp lại người bình luận rằng: "Cưới một người chồng tốt, làm việc chăm chỉ và trở thành người đàn bà mạnh mẽ".
Theo The Paper, tài khoản "Big LOGO" thuộc sở hữu của một vlogger đình đám Trung Quốc có 27 triệu người hâm mộ được xem là nơi khởi xướng trào lưu khoe của trên mạng xã hội xứ tỷ dân.
Khoe khoang sự giàu có trở thành trào lưu bị lên án ở Trung Quốc vì blogger không thể hiện đúng đời sống thực tế. Ảnh: @edisonfanye. |
Ban đầu chỉ làm những clip về các quán ăn, dịch vụ bình dân nhưng sau khi phát hiện giới thiệu về các nhà hàng sang chảnh sẽ hút người xem hơn, chủ nhân Big LOGO đã chuyển hướng khai thác nội dung này.
Từ tháng 6 năm ngoái, anh chàng tập trung vào khám phá các nhà hàng ăn uống và khách sạn sang trọng. Chỉ sau một tháng, số người theo dõi kênh đã tăng lên 2 triệu, đến tháng 10, kênh cán mốc 10 triệu follow.
Mới đây, Tân Hoa Xã dùng Big LOGO làm ví dụ để chỉ trích trào lưu khoe của cải trên mạng xã hội: "75.000 nhân dân tệ cho một đêm ở khách sạn, 1,99 triệu tệ để bị giam giữ, 10.000 tệ cho một lần cắt tóc... Một số người sáng tạo đã không có trách nhiệm xã hội".
Hiện tại, Big LOGO bị nghi ngờ vi phạm quy định, hàng chục video đã bị xóa.
Sai lầm của các blogger chuyên khoe khoang sự giàu có là sử dụng hình ảnh cuộc sống xa hoa để làm công cụ hỗ trợ bán hàng. The Paper cho rằng nạn khoe của đang tồn tại trên Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu truyền bá thông điệp "khoe khoang để có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Phô trương sự giàu có giả tạo đang trở thành vấn nạn đáng báo động trên mạng xã hội xứ Trung. Các nền tảng khác nhau đều đồng loạt lên tiếng, khẳng định sẽ "dọn dẹp" các tài khoản này.
Ngày 26/2, Douyin đưa lệnh cấm đối với 3.971 tài khoản bị nghi ngờ cố tình phô trương sự giàu có. Ngày 1/3, Kuaishou tuyên bố đã xử lý 1.010 tài khoản quảng bá nội dung khoe của. Cuối tháng 3, Xiaohongshu cũng công bố kết quả của chiến dịch quản trị đặc biệt chống lại việc phô trương sự giàu có, tổng cộng có 2.371 tài khoản bị nghi ngờ khoe của bị cấm.