Hannah Barry, đến từ Vương quốc Anh, nổi tiếng với vai trò huấn luyện viên thể hình trực tuyến, nêu khẩu hiệu "giúp mọi người có cơ thể săn chắc mà không cần từ bỏ những món ăn khoái khẩu".
Barry đã có 8 năm làm Influencer. Nhưng khi tài khoản Instagram thu hút được hơn 94.000 người theo dõi, cô cuối cùng thừa nhận mình đã dùng chiêu trò gian dối, giống cách mà nhiều ngôi sao khác trong ngành cũng dùng để thu hút người xem.
"Tôi từng là một người có ảnh hưởng về thể hình theo hướng độc hại", cô thừa nhận. "Giờ đây, tôi đã thay đổi và muốn kể về một số điều nhảm nhí đang diễn ra trong ngành này mà có thể bạn không biết".
Bóc mẽ chiêu trò lừa đảo
Barry tiết lộ những buổi huấn luyện thể hình online 1-1 có thể không phải do Influencer như cô tự mình thực hiện, mà do một "huấn luyện viên ma" - người được thuê về để xây dựng từng bài tập.
Cô cũng nói thêm rằng những video tập cơ bụng được ngôi sao thể hình đăng lên chỉ nhằm mục đích câu tương tác.
"Tôi chưa bao giờ thực sự tập luyện bài tập cơ bụng nào trong số những cái tôi đăng lên. Nhưng chúng vẫn hút cả triệu lượt xem. Nói ra thật xấu hổ nhưng thực tế là vậy".
Cô thừa nhận các bài tập cơ bụng thậm chí chẳng có tác dụng xây dựng cơ bụng săn chắc. Muốn có bụng sáu múi, mọi người phải tập squats, deadlifts nặng.
Barry cũng cảnh báo những loại sinh tố hay đồ uống được quảng cáo để cân bằng nội tiết tố, làm sạch cơ thể, detox, giải độc hay bất cứ thứ gì tương tự "đều không tốt".
"Chúng không có hiệu quả. Chúng ta có gan, và đó là bộ phận giúp giải độc cơ thể", cô nói.
Video của cô nàng nhanh chóng lan truyền, thu hút hơn 86.000 lượt xem cùng hàng trăm bình luận sôi nổi. Nhiều người cảm ơn khi cô dám nói lên sự thật, đồng thời hy vọng cô đi sâu chia sẻ hơn nữa.
Barry sau đó đã nói về một hiện tượng phổ biến trong cộng đồng thể hình, đó chính là nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống.
Barry thừa nhận cô từng là một Influencer về thể hình độc hại. Ảnh: @hannahbarryuk. |
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chứng rối loạn ăn uống, đặc biệt là ở trẻ vị thành niên, tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch. Một nghiên cứu gần đây cho thấy TikTok thúc đẩy văn hóa ăn kiêng độc hại và tôn vinh việc giảm cân quá độ, theo New York Post.
Trên Instagram và TikTok, các bài đăng bắt đầu bằng hashtag #Thinspo đã bị cấm. Khi người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan, họ được chuyển hướng đến các nội dung về sức khỏe tâm thần và rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, các nội dung chứa hashtag tương tự, như #Fitspo, #WhatIEatInADay và #BodyCheck, đang được ngụy trang thành nội dung về thể dục và sức khỏe.
Ngăn trào lưu độc hại
Những trào lưu về hình thể, khoe vóc dáng lan truyền khắp mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, được cảnh báo là gây ra chứng rối loạn ăn uống, lo âu, trầm cảm ở người trẻ.
Người dùng của các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Tumblr cũng không xa lạ gì với các hashtag ủng hộ chứng biếng ăn và những bài đăng có nội dung cổ xúy rối loạn ăn uống.
Trào lưu khoe "khe hở đùi", khoảng trống bên trong giữa hai đùi của một người khi người đó đứng thẳng với hai bàn chân chạm vào nhau, từng gây sốt vào năm 2013, chủ yếu ở các nước phương Tây.
Trong khi đó, tại các nước phương Đông, xu hướng "đọ xương quai xanh" hay "vòng eo con kiến" lại được chú ý. Trên nhiều trang mạng, người dùng sử dụng cây son để đo độ sâu của xương quai xanh hay dùng tai nghe, giấy A4 để đo vòng hai của mình.
Sự gia tăng của các trào lưu kiểm tra cơ thể độc hại đã buộc những nhà lập pháp ở Mỹ phải hành động. Cathy Johnson, có 24 năm làm cố vấn trường học ở Mỹ, cho biết "một trong những vấn đề lớn nhất" mà cô nhận thấy từ mạng xã hội là sự gia tăng chứng rối loạn ăn uống.
Sự gia tăng của chứng rối loạn ăn uống một phần lớn do các trào lưu độc hại trên mạng xã hội. Ảnh: Outlook Psychology. |
Các đề xuất được đưa ra trên khắp nước Mỹ, bao gồm: hạn chế các thuật toán quảng cáo truyền thông xã hội chứa nội dung có thể gây hại; cấm bán thuốc giảm cân cho trẻ vị thành niên; thêm việc ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống vào chương trình giảng dạy ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hàng loạt luật được ban hành sau sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống khi phong tỏa do đại dịch đẩy thanh niên vào cảnh bị cô lập thời gian dài.
Các nhà lập pháp California nhắm mục tiêu vào mạng xã hội, thông qua một dự luật cấm các nền tảng có thuật toán hoặc tính năng khiến trẻ em tiếp xúc với các sản phẩm ăn kiêng, hoặc khiến chúng mắc chứng rối loạn ăn uống.
Dự luật của Colorado tạo ra một văn phòng tiểu bang chịu trách nhiệm rộng rãi, một phần thu hẹp khoảng cách trong các phương pháp điều trị, cung cấp các khoản tài trợ nghiên cứu và làm việc để giáo dục cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.