Ngày 21-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm gia đình 2 sản phụ tử vong và đến Bệnh viện Đà Nẵng thăm 1 sản phụ đang điều trị sau sinh mổ ở Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng.
Hai sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để theo dõi chờ sinh hôm 17-11 là sản phụ V.T.N.S và N.T.H (cùng SN 1986, ngụ TP Đà Nẵng). Sản phụ S. tử vong vào tối cùng ngày, còn sản phụ H. được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, ngày 22-10, sản phụ H.T.P.T (SN 1987, ngụ TP Đà Nẵng) cũng vào Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để chờ sinh và tử vong.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, cả 3 sản phụ đều được Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng tiếp nhận đúng quy trình và có chỉ đạo mổ lấy thai. Trong lúc tiêm thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine (sản xuất tại Ba Lan), các sản phụ có biểu hiện co giật. Ba trẻ sơ sinh đều được an toàn sau phẫu thuật và sức khỏe ổn định. Hiện sức khỏe của sản phụ H. đã qua cơn nguy kịch và đang có dấu hiệu phục hồi.
Đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng động viên người nhà sản phụ H. tại Bệnh viện Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN |
Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo niêm phong lô thuốc gây tê Bupivacaine mà Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đang sử dụng với số lượng còn lại là 120 lọ. Đồng thời phòng mổ của bệnh viện này cũng đang đóng cửa để chờ có kết luận chính thức.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sự cố 3 ca tai biến sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng là sự cố y khoa nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện chưa thể đưa ra kết luận do thuốc vì cần xem xét nhiều yếu tố. Về độ an toàn của thuốc, bộ sẽ có kết quả sau khoảng 1 tuần nhưng để đánh giá có tạp chất trong thuốc hay không thì phải mất 1,5 tháng.
Trước nghi ngờ các sự cố này do thuốc gây tê, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay bộ sẽ phải kiểm tra lại, đồng thời nghiên cứu tài liệu mới có thể đưa ra khuyến cáo chính thức do việc khuyến cáo ngưng dùng một loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến công tác điều trị và mua sắm.
Còn bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, khẳng định sau sự cố nghiêm trọng này, sở sẽ chỉ đạo đặc biệt đối với việc rà soát chuyên môn về sử dụng thuốc gây tê và gây mê. Tới thời điểm này, cơ quan chuyên môn cũng chỉ "nghi ngờ" chứ chưa thể kết luận chính xác về thuốc gây tê. Việc áp thầu của Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đối với loại thuốc gây tê qua kiểm tra ban đầu là đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng trước đó sử dụng thuốc gây tê Marcain của Pháp sản xuất, nằm trong gói thầu do Sở Y tế TP Đà Nẵng chỉ định. Do hãng cung ứng hết hàng nên bệnh viện nhập thuốc gây tê Bupivacaine sử dụng từ tháng 5-2019 với số lượng 380 lọ.
Quảng Nam dừng dùng thuốc Bupivacaine
Ngày 21-11, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản gửi các đơn vị y tế, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh yêu cầu tạm dừng sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 5,5% Heavy (gọi tắt là thuốc Bupivacaine) do Ba Lan sản xuất.
Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, tránh sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine (Công ty CP Dược phẩm Trung ương Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng) trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghiệm trung ương. Các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện việc sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.