Không xây dựng xen cấy, làm biến dạng công trình kiến trúc Pháp
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội góp ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp tại số 60 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp tại 60 Trần Phú thuộc khu đất ký hiệu H6 (diện tích 3,82 ha, giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) trong Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013.
Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 934/QĐ-BTP ngày 03/6/2021.
Về sự phù hợp quy mô, nội dung dự án đầu tư với Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đề xuất cải tạo, sửa chữa trụ sở không tác động thay đổi chức năng sử dụng, các chỉ tiêu quy hoạch chung toàn khu H6 được xác định trong Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình (mật độ xây dựng, số tầng, tầng cao tối đa).
Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng cần lưu ý, tại điểm a khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình có định hướng chuyển đổi chủ thể quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất (Bộ Tư pháp sẽ di chuyển đến địa điểm mới) để hình thành Khu phục vụ chung của Trung tâm chính trị Ba Đình tại lô H6.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay quy hoạch hệ thống trụ sở bộ ngành trung ương tại Hà Nội (gồm Bộ Tư pháp) đang được hoàn thiện theo Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Do đó, việc thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp tại 60 Trần Phú để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện nay phải đảm bảo yêu cầu tiết kiệm nguồn lực, hiệu quả đầu tư, phù hợp quy định hiện hành.
Về thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc và bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị, theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Kiến trúc năm 2019, việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc được đề xuất trong chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Dự án Cải tạo, sửa chữa Trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư).
Bộ Xây dựng cho biết, công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Kiến trúc năm 2019. Pháp luật về kiến trúc không quy định tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với trường hợp dự án cải tạo, sửa chữa công trình.
Ngày 4/12/2013, HĐND Hà Nội ban hành Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND về danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó công trình Bộ Tư pháp tại địa điểm số 56-60 Trần Phú, quận Ba Đình thuộc danh mục các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.
“Việc cải tạo, sửa chữa trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp phải tuân thủ quy định pháp luật về Thủ đô, bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc (công trình kiến trúc có giá trị) và pháp luật hiện hành liên quan, đảm bảo ổn định cấu trúc không gian, không xây dựng xen cấy công trình và làm biến dạng công trình kiến trúc Pháp nguyên gốc” – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Phá dỡ toà nhà Pháp cổ 61 Trần Phú xây cao ốc
Cũng tại khu vực Trần Phú, thời gian qua, dư luận xôn xao với việc phá dỡ toà nhà Pháp cổ tại 61 Trần Phú để xây cao ốc. Khu đất trên rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF), đây vốn nhà máy cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tòa nhà này được quy hoạch với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê tông cốt thép rất độc đáo ở giữa.
Để thay thế tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền sau phá dỡ, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt xây dựng một khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ.
Mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm; tổng diện tích sàn khoảng 32.306m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023m2; chiều cao 42,9m.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef, số 61 Trần Phú.
UBND TP Hà Nội cho biết, tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chuyên gia…, ngày 9/5, chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình.
Để có cơ sở xem xét toàn diện, thận trọng tác động của dự án, Ban Cán sự đảng UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét chỉ đạo thực hiện một số nội dung trước khi cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể, về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những đơn vị liên quan tổ chức hội đồng gồm các chuyên gia, nhà khoa học... nghiên cứu, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc, làm việc với nhà đầu tư để thống nhất biện pháp, tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình.
Phương án quy hoạch, kiến trúc sau đó sẽ được công bố đầy đủ, rộng rãi trước công luận, bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận.
Về bức phù điêu, giao Sở QH-KT xem xét, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ba Đình, nhà đầu tư nghiên cứu phương án bảo tồn, giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung.