Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải thay đổi tư duy để phát triển GD phổ thông
(Kiến Thức) - "Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết phải đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp trong quản lý, dạy học, giáo dục..." Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Từ ngày 28/11 đến 29/11/2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” và sinh hoạt thường niên câu lạc bộ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phía Nam năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội thảo. Chương trình do Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội thảo ở Đắk Lắk |
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết phải đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp trong quản lý, dạy học, giáo dục cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, vì đây là nhân tố then chốt quyết định sự thành bại của đổi mới GD-ĐT.
"Hiện nay, một số thầy cô đang cảm thấy băn khoăn lấy đâu ra thầy cô mà dạy tích hợp, nhưng mà thực tế không phải như thế đầu tiên là ta dạy liên môn đã, thế thì chọn thầy cô nào có điều kiện nhất chuyên sâu chuyên đề ấy. Từ đó, bắt đầu tiến đến có lộ trình, trường sư phạm thì chúng tôi đã chuẩn bị 50 môn học có mã ngành và muốn ra được thì cũng phải nhanh dạy chuyển đổi cũng phải 3 năm.
Chúng ta phải kế thừa dần dần tiến tới dạy tích hợp theo đúng nghĩa của nó, phải có quá trình bắt đầu đi từ đơn môn, liên môn rồi đến tích hợp. Chúng ta mà không quyết tâm từ bây giờ thì không bao giờ có giáo viên dạy tích hợp, mà tích hợp là xu hướng quốc tế", Bộ trưởng Nhạ nói.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, huyện Ea kar, tỉnh Đắk Lắk băn khoăn nói: "Đội ngũ giáo viên thì trước đây trong chương trình đào tạo theo khối Trung học phổ thông thì chỉ đào tạo một môn, nhiều nhất là 2 môn.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Vấn đề phát sinh nữa là khi học sinh lựa chọn các môn học lực chọn thì đội ngũ giáo viên có đáp ứng được nhu cầu hay không, chưa kể đến việc học sinh lựa chọn các tổ hợp môn thì giáo việ có thể dạy được 3 môn hay không. Chưa kể những vấn đề liên quan đến việc học sinh lựa chọn nhà trường không đáp ứng được yêu cầu bởi vì có những bộ môn chưa được đào tạo".
Cũng theo ông Dũng, từ trước đến nay, các giáo viên chủ yếu dạy chuyên sâu 1 môn học, việc tích hợp nhiều môn học đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực và đây chính là thách thức lớn đối với giáo viên và nhà trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vấn đề này sẽ được thực hiện theo lộ trình từ đơn môn đến liên môn rồi với tiến tới tích hợp, quá trính đó Bộ sẽ chỉ đạo các trường Sư phạm thay đổi hình thức đào tạo đồng thời mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn để các thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn.
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập về đời sống; giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.