Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. |
- Chúng ta thấy Bộ Công Thương đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định 08 cắt giảm 675 ĐKKD của ngành này, cắt giảm và đơn giản hóa tới 55% tổng số ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các bộ cho đến nay về cơ bản cũng đã rà soát và có phương án cắt giảm các ĐKKD không cần thiết, thậm chí các bộ còn đề xuất sửa các luật liên quan.
Như vậy, tác động của việc cắt giảm 50% là có thật. Chúng ta mong nó thấm sâu vào đời sống để thực sự thúc đẩy kinh doanh phát triển bền vững, an toàn.
- Như vậy, có vẻ việc cắt giảm cũng không đến nỗi căng thẳng?
- Thật ra đó là một chặng đường gian nan và nếu không có sức ép từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khó có kết quả như vậy. Và khi có sức ép như vậy thì các bộ mới “xắn tay” vào làm việc.
- Nhiều nhận định cho rằng có thể việc cắt giảm theo kiểu định lượng 50% khiến việc cắt giảm không thực chất, chưa chính xác?
- Có thể chưa chính xác nhưng điều đó cũng có nghĩa là có cơ hội điều chỉnh. Dù sao đi nữa, cuộc chiến cắt giảm ĐKKD đã loại bỏ những quy định theo kiểu “phải thoáng mát, phải phù hợp với quy định, phải sạch sẽ, có sức khỏe, có nhân thân tốt…” và những quy định can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN).
Bởi khi cụ thể hóa được các tiêu chuẩn thì lúc đó DN mới dễ thở và quá trình cải thiện môi trường kinh doanh mới có kết quả thực sự.
Vẫn viện nhiều lý do để giữ giấy phép con
- Tôi biết VCCI cũng như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các chuyên gia độc lập đã kiến nghị tám tiêu chí định tính. Bất kể điều kiện nào vướng một trong tám tiêu chí đó là phải bỏ.
- Mục tiêu cuối cùng là việc cắt giảm phải có tác động thực tiễn, giúp ích cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản được thủ tục hành chính. Bởi hiện nay nhiều thủ tục hành chính trong kinh doanh của ta so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN vẫn còn phiền hà và nhiêu khê lắm.
Nếu chỉ yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh theo chỉ tiêu định tính, không cân đong đo đếm được thì tôi tin rằng sẽ không tạo được áp lực để thay đổi và nhiều bộ, ngành sẽ tiếp tục bảo vệ, duy trì phần lớn các ĐKKD hiện hành.
- Vì sao lại xảy ra điều đó được?
+ Những lý do như vì quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… luôn được diễn giải khác nhau. Đó chính là lý do để các bộ, ngành vin vào để đề nghị tiếp tục giữ giấy phép này hay giấy phép khác.
- Phải có cách giải quyết chứ, thưa ông?
- Tôi nghĩ có một nguyên tắc cần phải tuân thủ: Đó là khi có các quy định còn chưa rõ thì phải vận dụng theo hướng có lợi cho người dân và DN. Bởi điều này sẽ tránh được những thứ lý do rất khó định lượng như “trật tự an toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng…”.
Doanh nghiệp bán lẻ mừng vì Bộ Công Thương bỏ đề xuất quy định về giờ giấc mở cửa, đóng cửa… siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN |
Các bộ đã cắt giảm 968/2.613 ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của các bộ trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2018 cắt bỏ 50%. Như vậy, tới nay con số cắt giảm đã đạt 31,37%, số còn lại đang cắt giảm.
Các bộ cũng đã trình Chính phủ 23 nghị định, trong đó có bốn nghị định đang được Chính phủ xem xét trước khi ký ban hành. 15 nghị định đã và đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Số còn lại đang được Văn phòng Chính phủ và bộ chuyên ngành xử lý hoàn thiện để trình Chính phủ.
Dự kiến sau khi Chính phủ ban hành các nghị định thực thi cắt giảm ĐKKD thì số ĐKKD được cắt giảm theo phương án của các bộ sẽ là 2.800.