Nếu bổ nhiệm cán bộ theo kiểu 5C, 5 “ệ” như vậy sẽ dẫn đến hệ quả cũng là năm chữ Đ - “đố điều đi đâu được”. Tức là dù họ có làm ăn nát bét ra cũng không điều được đi đâu cả, thậm chí còn thăng tiến thần tốc.
Ông LÊ NHƯ TIẾN |
Tôi ví dụ muốn làm được một cái giò thì quy trình phải rất chặt chẽ, giã thịt ra, gói, rồi luộc 8-12 tiếng. Nhưng nếu nguyên liệu đầu vào mà là thịt ôi, thịt thối thì chắc chắn cái giò gói ra cũng là giò ôi thiu, giò thối. Cho nên đúng quy trình mà đầu vào của quy trình lại đưa người không đủ phẩm chất và năng lực thì dù quy trình có đúng thì đầu ra cũng là những người không có năng lực, phẩm chất.
Muốn có cán bộ tốt thì khâu lựa chọn đầu vào để bổ nhiệm cán bộ phải đặc biệt coi trọng, lựa chọn kỹ lưỡng. Muốn làm được điều này, trước hết những cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ phải là người gác gôn cho cấp trên về công tác tổ chức, công tác cán bộ. Mặt khác, người đứng đầu cơ quan tổ chức phải trong sáng và phải lấy công việc, năng lực, phẩm chất của người cán bộ được bổ nhiệm làm thước đo chứ không phải lấy “tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ” để làm thước đo.
Đồng thời các cơ quan chức năng cấp trên của cơ quan đó phải vào cuộc kịp thời để thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn ngay từ sớm những trường hợp bổ nhiệm con cháu, người nhà. Đặc biệt, nếu phát hiện việc bổ nhiệm con cháu, người nhà không xứng chức, không đủ tiêu chuẩn thì phải xử lý thật nghiêm minh. Chứ để đến mức vào cấp ban, cấp phòng, cấp sở, thậm chí lên đến lãnh đạo thành phố, lên cả cấp bộ, vào cả Trung ương, Bộ Chính trị… mà không ngăn chặn kịp thời thì rõ ràng là công tác cán bộ có điểm rất bất cập.
Bên cạnh đó, cần phải chuẩn hóa năng lực, phẩm chất cán bộ bằng tiêu chí cụ thể mà hiệu quả công việc là thước đo. Đồng thời bổ nhiệm cán bộ theo hướng thi tuyển, cạnh tranh lành mạnh các vị trí, 4-5 người chọn một chứ không phải “giới thiệu một, bầu một”.
Vừa qua một số cơ quan tổ chức thi cạnh tranh làm rất tốt. 5-6 người chọn lấy một người, hội đồng chấm thi rất khách quan. Chứ còn người đứng đầu cơ quan giới thiệu con mình, cháu mình thì thua. Điều này sẽ dẫn đến chuyện cấp dưới ở đơn vị đó cũng vì lợi ích, vì cái ghế của mình mà nâng đỡ con cháu, người nhà của lãnh đạo để rồi đến lượt họ thì họ lại được lãnh đạo nâng đỡ.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội