Đối với cư dân mạng giọng của chị Google đã không còn xa lạ tuy nhiên không ai biết chị ấy tên gì, ở đâu và bao nhiêu tuổi. Chính sự vô hình cùng giọng nói có trọng lượng khiến người lớn cũng phải nghe, trẻ con cũng phải sợ. Thậm chí với nhiều đứa trẻ bướng bỉnh, người lớn nói mãi không chịu nghe nhưng thoáng thấy giọng chị Google là như mèo cụp đuôi, co rúm lại. Cậu bé 3-4 tuổi trong clip vừa được đăng tải mới đây là một minh chứng.
Theo clip dài 15 giây ghi lại cảnh bé trai tầm 3-4 tuổi đến giờ ngủ trưa nhưng mẹ nói mãi không chịu nghe. Đến khi người chị hỏi “bà Kẹ” nhắn tin có sợ không thì bé trai trả lời “có” dõng dạc. Ai ngờ đâu đúng lúc có một tin nhắn gửi đến điện thoại, bé trai hoảng hốt nói “tắt đi”. Nhưng người chị nhanh tay mở, trong điện thoại chị Google vẫn giọng nói “ngàn cân” ấy quát: “Mày đi ngủ đi mau lên! Từ đây phải nghe lời mẹ nghe chưa?”
Giật mình run sợ, bé trai nằm xuống trùm chăn, người run run đáp lại: “Biết rồi!”. Cuối clip bé trai nằm im ngủ không dám nhúc nhích nữa! |
Ngay sau khi đăng tải clip nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi của cư dân mạng. Thế hệ trước rất nhiều phụ huynh mang bác sĩ, bác hàng xóm, hay “ngáo ộp” (ma) ra dọa trẻ con mỗi khi chúng hư. Mặc dù vẫn còn áp dụng cách dọa này nhưng đa phần mọi người nhờ đến sự giúp sức của chị Google nhiều hơn.
Đang chân tay múa máy nghe giọng chị Google cái sợ ngay!
“Vợ của “ngáo ộp” là chị Google, giờ mới ngộ ra điều này! Mình nhớ nhỏ toàn bị mọi người dọa “hư ngáo ộp bắt đi đấy”, giờ chị Google thay “chồng” gánh team luôn”, tài khoản X.S viết.
“Hôm trước mình mở xem Google Map bật chỉ đường bằng giọng nói, con trai 2 tuổi đang thiu thiu ngủ nghe giọng cái khóc như bị ai đánh. Tưởng bé làm sao tắt chỉ đường, dỗ thấy nín. Đến tối, bố nó mở clip chị Google chỉ đường đang hot mấy hôm nay, nó lại khóc thế là biết bé sợ”, một bà mẹ bỉm sữa bình luận.
“Cách dạy con nghe lời đây chứ đâu! Lớn một tý khi nó biết là chị Google chắc nó nghĩ ngày xưa sao mình ngây thơ quá vậy!”, tài khoản H.L hài hước viết.
Trước đó, một bé trai ở TP.HCM còn sợ “bà Kẹ” (chị Google) đến nỗi chỉ cần nghe thấy giọng của “bà” qua chiếc điện thoại thôi cũng đã run rẩy, răm rắp làm theo mọi lời nói của “bà”.