Chiều 29/6, tại Bộ G&ĐT đã diễn ra buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về sự giống nhau giữa đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn và đề thi thử ở Nghệ An, đề thi lớp 10 của Hà Nội gây xôn xao dư luận về việc liệu có sự "trùng đề".
GS Nguyễn Ngọc Hà trả lời câu hỏi về đề thi môn Ngữ văn tại buổi họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Trả lời câu hỏi của PV, GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban Đề thi tốt nghiệp THPT cho biết, đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa phần mềm vào việc kiểm soát trùng lặp nội dung của đề.
Theo đó, 120 GB dữ liệu đã được đưa vào, gồm những đề đã thi và những câu hỏi được tìm từ trên mạng.
“Phần mềm sẽ lọc dữ liệu để hạn chế đưa vào đề thi chính thức những phần bị phát hiện trùng lặp”, ông Hà nói và cho biết, việc lọc dữ liệu này không chỉ áp dụng cho môn Ngữ văn mà với các môn thi khác.
Về phán ánh cho rằng đề giống với đề thi thử môn Ngữ văn ở Nghệ An, Bộ GD&ĐT cho biết, phần ngữ liệu trùng, nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Điều này cũng là bình thường. Vì trong chương trình, chỉ có 15 tác phẩm để thi thì khó tránh khỏi việc trùng ngữ liệu.
“Nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau, cho nên không phải là trùng đề”, ông Hà khẳng định.
Với đề thi vào lớp 10 của Hà Nội cũng ra về “làm chủ cảm xúc”, trong khi đề thi tốt nghiệp về cân bằng cảm xúc, ông Hà cho biết, cả ngữ liệu và lệnh hỏi khác nhau. Và dù đều là về chủ đề “cảm xúc”, nhưng lệnh hỏi về “cân bằng cảm xúc” ở đề thi tốt nghiệp vẫn ở mức độ cao hơn.
Sau đó, trả lời thêm PV về việc nếu dùng giáo viên để lọc thì có thể sẽ phát hiện ra việc trùng lặp này, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào phần mềm, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, Ban đề đã biết về việc này khi Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra và có thảo luận, cân nhắc. Nhưng do thấy lệnh hỏi hoàn toàn khác nên Ban đề thi thấy không cần phải thay đổi.
Còn đối với đề thi thử của Nghệ An, do không có trên mạng, cho nên đã không có trong phần dữ liệu để lọc. Nếu có trong dữ liệu thì phần mềm chắc chắn sẽ phát hiện ra.
Về ý kiến cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay "cũ" cả về nội dung và cách hỏi, ông Hà cho biết, ở phần Đọc hiểu, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã là một điểm mới. Theo đó, tổ ra đề luôn hướng tới những vấn đề có nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với ngữ liệu tuỳ chọn, riêng phần này có tính mở cao.
Với phần nghị luận văn học, đến khi kết thúc chương trình 2006, đến năm 2025 thì đề sẽ ra theo hướng mở, có tính sáng tạo cao hơn do không có quy định về các tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên, việc quá trình đổi mới sẽ dần dần, tránh “sốc” cho các thí sinh.
Trước đó, dư luận xã hội xôn xao về nội dung đoạn ngữ liệu trong phần Làm văn đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD&ĐT Nghệ An gần giống với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với cùng trích đoạn trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và nội dung câu hỏi có phần tương đồng.
Theo đó, đề môn Ngữ văn tại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần thứ 2 năm 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An đặt câu hỏi: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám".
Còn đề Văn chính thức yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích".
Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.