Bộ đệm dự phòng yếu là một thách thức đối với VIB
(Vietnamdaily) - Bộ đệm dự phòng yếu là một thách thức đối với VIB. Áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn còn trong ngắn hạn.
Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) với đánh giá kém khả quan về cổ phiếu.
VIB đã công bố kết quả kinh doanh Q3/2020 với mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng 52,3% so với cùng kỳ) do tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh (tăng 55,6% so với cùng kỳ) so với cả chi phí dự phòng (tăng 19,7% so với cùng kỳ) và OPEX (tăng 23% so với cùng kỳ).
Tỷ lệ nợ quá hạn được cải thiện so với cuối tháng 6/2020 (3,8% so với 4,6%) cùng với sự hồi phục của tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, SSI cho rằng bộ đệm dự phòng yếu là một thách thức đối với VIB. Áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn còn trong ngắn hạn.
Phân tích chi tiết, SSI đưa ra những luận cứ sau.
Tăng trưởng tín dụng mạnh
Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2020 của VIB là 14,2% so với đầu năm, được thúc đẩy nhờ cả cho vay mua nhà (+ 20% so với đầu năm) và cho vay mua ô tô (+ 9% so với đầu năm). Mức tăng trưởng này theo SSI đến từ cả sự cải thiện về doanh số bán xe cũng như sự gia tăng số lượng nhân viên mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm.
Đồng thời, NIM nới rộng 56 điểm phần trăm nhờ giảm được áp lực về chi phí vốn. Chi phí vốn bình quân giảm 35 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 74 điểm phần trăm so với cùng kỳ, giúp NIM nới rộng 48 điểm phần trăm so với quý trước và 56 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên 4,56%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, hệ số NIM đi ngang so với cùng kỳ. Theo quan điểm của SSI, việc chủ động quản lý chi phí vốn thành công do nhiều động thái khác nhau như chuyển sang trái phiếu có lãi suất thấp hơn; Xu hướng giảm chung của lãi suất huy động; Tận dụng chênh lệch lãi suất huy động đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Thu nhập lãi ròng (NII) đạt mức tăng trưởng mạnh 38% so với cùng kỳ trong Q3/2020.
Sự giảm tốc trong tăng trưởng phí bảo hiểm được bù đắp bởi mức tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập phí.
Tỷ lệ nợ xấu mới hình thành có xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ xấu ở VIB cải thiện so với quý trước còn 0,14% từ 0,29% trong Q2/2020 – nhưng vẫn tăng gấp ba lần so với năm 2019. Cả nợ Nhóm 2 và tỷ lệ nợ xấu lần lượt giảm -57 bps và -23 bps so với quý trước, ở mức 1,66% và 2,14%. So với cùng kỳ, số dư nợ này lần lượt tăng 62% và 27%.
Trong khi đó, chi phí dự phòng chỉ tăng 19,7% so với cùng kỳ - giải thích cho việc tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 48,3% (so với 49,9% trong Q3/2019).
Áp lực trích lập dự phòng vẫn còn trong các quý sắp tới, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận cho vay ô tô. Mặc dù chi phí dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức thấp, lợi nhuận hiện tại của danh mục cho vay mua ô tô tương đối thấp ở mức 0,8% đối với cho vay mua ô tô mới, theo tính toán của SSI, vì lợi suất cho vay mua ô tô năm đầu tiên là 9,2% (tăng lên đến 11% sau năm đầu tiên).
Tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay ô tô đã tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2020 và do đó, chúng tôi ước tính chi phí tín dụng sẽ có thể tăng cao hơn trong tương lai khiến lợi nhuận cho vay mua ô tô giảm xuống còn 0,6% (thấp hơn 20 bp).
Nhìn chung, kết quả vẫn được kỳ vọng là khả quan cho năm 2020. Cùng với kết quả quý 3 tốt, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của VIB là 5 nghìn tỷ đồng (tăng 23,4% so với cùng kỳ) trong năm 2020.
SSI giả định tăng trưởng tín dụng là 23%, cùng với việc NIM nới rộng lên 13 điểm phần trăm trong năm 2020. NIM của VIB dự kiến sẽ còn được cải thiện vào Q4/2020, do lãi suất huy động thấp tại thời điểm cuối Q3/2020 và dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR của ngân hàng (hiện ở mức 90%). Chi phí tín dụng dự báo sẽ tăng vào cuối năm và đạt 0,74% (so với 0,54% trong năm 2019).
Trong năm 2021, SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm tốc đạt 14% so với cùng kỳ đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, với giả định tăng trưởng về mức bình thường là 15% (chưa kể NIM thu hẹp 10 điểm phần trăm).
Theo ước tính của SSI, giá mục tiêu đối với cổ phiếu VIB là 28.800 đồng/cổ phiếu. SSI lặp lại khuyến nghị Kém khả quan đối với cổ phiếu VIB.