Tại hội nghị thông tin báo chí về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) chiều 29/9, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (C08, Bộ Công an), thông tin về sự cần thiết và một số điểm mới của dự án luật nói trên.
Theo Đại tá Bình, Luật GTĐB năm 2008 không quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về ATGT. Thực tế hiện nay, lực lượng CSGT mới chỉ đang xử lý phần ngọn, nếu có tai nạn xảy ra thì chỉ xử lý phần hậu quả.
Trước yêu cầu bảo vệ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, Luật Bảo đảm TTATGTĐB được xây dựng, quy định cụ thể trách nhiệm này thuộc về Bộ Công an, với quan điểm xây dựng luật lấy con người là trung tâm.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT. Ảnh: TP |
Cục phó C08 nói khi luật được thông qua, lúc đó, người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tại sao tình trạng TNGT tăng, số người chết vì TNGT lớn… đối với lực lượng CSGT.
“Quan điểm của Chính phủ, Bộ Công an là phải gắn trách nhiệm. Bởi vậy, nếu trách nhiệm này được giao cho ngành công an sẽ là rất nặng nề chứ không phải là thêm quyền” – Đại tá Bình nói.
Đáng chú ý, theo Cục phó C08, Luật Bảo đảm TTATGTĐB quy định rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm về ATGT, đây chính là cam kết quả bộ này để giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến ATGT như hiện nay.
“Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng CSGT phải nâng cao năng lực. Tới đây, cán bộ CSGT nào vòng hai to sẽ không cho ra đường làm nhiệm vụ. Cùng với đó, sẽ kiểm tra kiến thức của từng cán bộ. Dứt khoát phải chọn người khỏe mạnh, có tin thần phục vụ nhân dân, kiến thức đầy đủ…” – Đại tá Bình nhấn mạnh.
"Mục đích chính không phải xử phạt"
Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT, Bộ Công an đề xuất quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế.
Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận, liên quan đến việc xác định độ tuổi cũng như chiều cao của trẻ liệu có khả thi.
Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng trước hết phải đưa quy định vào luật để hình thành thói quen văn hóa. Ví dụ khi CSGT hỏi cháu bé bao nhiêu tuổi, nếu trả lời 10 tuổi thì mời cháu ngồi sau, nếu cháu không nhớ tuổi thì hỏi cháu cao bao nhiêu?
“Đó là yếu tố nhân văn, mục đích chính không phải là để xử phạt” – Cục phó C08 nói.