Chị Tạ Thị Thu Hồng (sinh năm 1987), giám đốc một doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội, chia sẻ về sở thích chơi búp bê và bộ sưu tập búp bê của mình. Hết sức yêu quý và dày công chăm sóc, chị thường gọi các búp bê của mình là 'em yêu'.
Ngắm búp bê quên ăn ngủ
Chỉ vào tủ kính đặt trong phòng khách với gần 300 mẫu búp bê lớn nhỏ, chị Hồng khoe: “Vừa chuyển sang nhà mới, tôi phải đặt làm ngay chiếc tủ này để trưng bày bộ sưu tập của mình”.
Từ nhỏ, búp bê đã là món đồ chơi được chị cực kỳ yêu thích. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, tình cờ biết đến hội những người cùng có đam mê này, chị mới chính thức sưu tầm búp bê.
“Em đầu tiên tôi sở hữu thuộc dòng barbie có giá vài trăm ngàn đồng. Thêm vài tháng tìm hiểu trong hội, tôi đã chuyển sang chơi dòng búp bê cao cấp hơn là fashion royalty. Sau 4 năm, tôi đã 50 em búp bê barbie, animator và 220 em búp bê fashion royalty”.
Bộ sưu tập búp bê quý giá của chị Tạ Thị Thu Hồng. |
Chị Hồng tiết lộ, với nhiều người, đây chỉ là món đồ chơi thông thường của bé gái, tưởng như không mang nhiều giá trị. Nhưng để có được “gia tài” gần 300 em búp bê lớn nhỏ với trang phục, phụ kiện lung linh như hiện giờ, chị phải chi ra số tiền hơn 900 triệu đồng. Chưa kể một số món chị mua được với giá hời, nếu không, tính theo giá trị website đăng bán thì tủ búp bê của chị phải trị giá đến hơn 1 tỷ đồng, trong đó có em đắt nhất giá lên đến 650USD.
Theo chị Hồng, người mê búp bê thường sưu tầm các dòng cao cấp, có giá từ 5-30 triệu đồng/con tùy loại, loại giá dễ chịu hơn cũng từ 100-250USD/con. Cứ vài tháng một lần, chị cùng bạn bè trong hội yêu búp bê tổ chức một cuộc gặp gỡ để bàn luận về các dòng búp bê, thay váy áo và thiết kế những concept để cho búp bê chụp ảnh. Ví như vào dịp gần Tết sẽ tổ chức cho búp bê mặc áo dài truyền thống, váy dân tộc, ngày hè cho đi biển, mặc bikini...
“Mỗi lần offline như vậy, chúng tôi ngồi với nhau từ 9, 10 giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều mà không biết chán. Đấy là chưa kể, tối nào trước khi đi ngủ, tôi cũng phải “lượn” qua tủ ngắm các “em yêu” một lúc cho đỡ nhớ”, chị khoe.
Là một “dân chơi” búp bê, chị Nguyễn Ngọc Quế (sinh năm 1980 ở Tây Ninh) cũng tự hào về tủ búp bê 120 em, trị giá hơn 500 triệu đồng của mình. Trong đó có em búp bê có giá hiện tại trên website là 520USD, tương đương gần 12 triệu đồng.
“Đó vẫn chưa phải con đắt nhất. Trong hội của tôi còn có chị sở hữu em búp bê lên tới gần 1.500 USD. Nhiều người sẽ cho rằng hoang phí nhưng với chúng tôi, đó là một sở thích lành mạnh cũng giống như những người có đam mê túi xách, mỹ phẩm…”, chị nói.
Bộ sưu tập búp bê với những "em yêu" giá hàng chục triệu. |
“Xuất ngoại” lùng mua búp bê
Để có thể sở hữu những bộ sưu tập búp bê như ý, ngoài tiền bạc, chị Hồng, chị Quế cũng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian săn lùng được búp bê giá trị.
Chị Hồng cho biết, “mỗi năm, các hãng lại cho ra bộ sưu tập búp bê mới với số lượng từ 800-1000 em/face (tức có khuôn mặt giống nhau). Giá của loại này chỉ khoảng 135-150USD/em chưa kể phí vận chuyển”. Tuy nhiên, loại được người chơi thèm muốn hơn cả là những em búp bê được sản xuất với số lượng hạn chế, từ 10-200 em, không được bán đại trà mà thông qua một hội chợ bên Mỹ hoặc là hàng tặng cực hiếm.
Búp bê thường chị có thể đặt mua trực tiếp trên website rồi qua trung gian gửi về Việt Nam, mất phí ship khoảng 15USD chưa kể công của người đặt hộ. Còn những loại hiếm có, giá rất đắt, từ 400-500 USD/em hoặc hơn mà không phải có tiền đã mua được.
“Dày công sưu tập và đã sở hữu số búp bê lên đến hàng trăm nhưng tôi vẫn không thể quên một lần mua hụt một em có giá 190USD. Bởi chỉ sau 1 phút lưỡng lự, tôi đã để hụt mất 1 trong 10 em búp bê duy nhất được sản xuất trên toàn thế giới”, chị nhớ lại.
Có những dòng búp bê được sản xuất với số lượng cực hiếm khiến giới chơi búp bê xôn xao săn lùng. |
Trong số những búp bê fashion hiện có, chị thích nhất búp bê có tên Kyori đậm chất châu Á với giá khoảng 470USD/em, phù hợp để theo đuổi phong cách Á đông. Còn lại những em như Elise khuôn mặt góc cạnh, sắc sảo hay Natalia, Vanessa, Luchia, Adele.. cũng được chị cực kỳ yêu thích.
Theo đó, để đặt mua búp bê, chị Hồng phải ngồi rình hàng giờ trên các trang mạng, khi thấy búp bê mình thích xuất hiện là nhanh chóng click chuột, đặt chuyển về một shop bên Mỹ rồi mới ship về Việt Nam cho mình.
Ngoài ra, vào dịp tháng 4 và tháng 10 hàng năm, chị Ngọc Quế lại cùng nhóm bạn mình đặt vé máy bay sang Thái Lan để tham dự hội chợ triển lãm và tranh thủ tìm mua em búp bê đã tăm tia từ lâu.
Chị cho hay, nhiều khi không tìm được đúng loại búp bê mình cần do đã sản xuất quá lâu, chị phải mua mặt búp bê riêng rồi đặt thợ vẽ lại mặt theo hãng, làm tóc, thay body gốc rất tốn tiền.
Để sở hữu được những em búp bê theo ý thích không phải là điều dễ dàng. |
“Thú chơi búp bê không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài đóng tủ bày, tôi và các chị em còn đầu tư đặt may những bộ trang phục, phụ kiện tinh xảo đến từng chi tiết cho búp bê mặc, hay thiết những mô hình nhà cửa, tiệm bánh, lâu đài mini vô cùng sinh động để tạo không gian cho búp bê chụp ảnh”, chị Quế giải thích.
Để bảo quản, hầu như trong tủ kính lúc nào cũng phải đặt gói chống ẩm, hết sức tránh ánh sáng mặt trời để búp bê không bị vàng da. Thậm chí, vào những ngày nồm còn phải bật điều hòa khô để giữ cho búp bê khỏi ẩm mốc.