Căn biệt thự “khủng” cao 3 tầng với nhiều hạng mục công trình được xây dựng và hoàn tất trên diện tích hàng trăm m2 trên mặt tiền đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nhưng không có phép, xây dựng trên đất quy hoạch của thành phố, lấn hành lang an toàn hồ đập.
Người dân bức xúc không chỉ chủ công trình bất chấp vi phạm các quy định về xây dựng mà chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, thậm chí buông lỏng quản lý. Dư luận đặt câu hỏi, để công trình không phép xây dựng vi phạm khủng như trên, trách nhiệm lãnh đạo của chính quyền địa phương thế nào?
Phê bình thôi…chưa đủ?
Mới đây, khi trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc cho biết, để xảy ra tình trạng trên là do sự hạn chế, yếu kém trong việc kiểm tra, xử lý của phường Lộc Phát và các cơ quan chức năng trực tiếp xử lý vụ việc. Đồng thời cho hay, chính quyền thành phố đã ban hành văn bản phê bình các lãnh đạo phòng ban để xảy ra sai phạm kéo dài không kịp thời xử lý, khắc phục.
Căn biệt thự khủng không phép trên đường Lý Thường Kiệt, TP Bảo Lộc. Ảnh: Kim Anh/Tiền Phong |
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, khi công trình xây dựng không phép, người dân bức xúc phản ánh, UBND phường Lộc Phát mới vào cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính ngày 3/8/2020) thì diện tích xây dựng không phép đã lên đến 185,8 m2, trên diện tích đất sử dụng 306,2 m2. Hơn nữa, tại thời điểm kiểm tra công trình mới xây dựng phần thô nhưng đến nay, biệt thự đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Đặc biệt UBND TP Bảo Lộc ban hành văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc phối hợp với UBND phường Lộc Phát đo vẽ hiện trạng xây dựng vi phạm của ông Huyên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Điều này có thể thấy UBND phường Lộc Phát và các cơ quan chức năng trực tiếp xử lý vụ việc chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý về lĩnh vực trật tự xây dựng trên địa bàn nên sẽ phải chịu kỷ luật, xử lý hành chính.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thủ tục để xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng trái phép nêu rõ, khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, không có giấy phép, đội quản lý trật tự xây dựng sẽ phải lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.
Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (nếu trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ công trình không thực hiện việc cấp giấy phép theo quy định).
Đối với công trình xây dựng không được phép xây dựng sẽ yêu cầu đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ công trình. Trường hợp chủ công trình cố tình không thi hành thì sẽ bị áp dụng quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm và quyết định cưỡng chế tháo dỡ, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ sau khi hết thời hạn thông báo.
Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định rất rõ về thẩm quyền, trình tự thủ tục, về thời hạn thời hiệu để tiến hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với công trình. Theo đó thẩm quyền tháo dỡ công trình xây dựng là nhà ở thuộc ủy ban nhân dân cấp quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Do đó, trường hợp cơ quan có thẩm quyền chậm xử lý trong khâu nào sẽ truy trách nhiệm của người có thẩm quyền ở khâu đó từ: lập biên bản vi phạm, ra quyết định đình chỉ, ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. Đồng thời, cần làm rõ chủ đầu tư xây dựng công trình trên là ai. Nếu là cán bộ, đảng viên mà không gương mẫu, phải xem xét kỷ luật đảng, kỷ luật về mặt chính quyền.
Có thể tháo dỡ phần công trình vi phạm?
Đối với công trình xây dựng không phép, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc xây dựng các công trình cần phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương để đảm bảo trật tự xây dựng, quy hoạch và sự phát triển của địa phương.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật xây dựng 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối chiếu vào các quy định của pháp luật, căn biệt thự đồ sộ ở mặt tiền đường Lý Thường Kiệt (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) không thuộc quy định tại khoản 2 về việc được miễn giấy phép xây dựng. Do đó, trường hợp xây dựng công trình mà không có giấy phép xây dựng có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt khi xây dựng không có giấy phép xây dựng để xử lý.
Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng có thể là phải tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý hành vi vi phạm và công trình vi phạm.
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, với hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng (xây dựng không phép) nên người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Bởi vậy, trong trường hợp này cơ quan chức năng sẽ làm rõ giấy tờ pháp lý của chủ sử dụng công trình. Trường hợp công trình xây dựng trái phép, có thể xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về đất đai.
Luật sư Cường cho biết, việc xây dựng công trình là nhà ở phải tuân thủ quy định của luật xây dựng và luật nhà ở, các văn bản hướng dẫn thi hành lĩnh vực này. Theo đó, hành vi xây dựng không phép là một trong những hành vi vi phạm quy định về xây dựng và vi phạm quy định về nhà ở nếu như công trình là nhà ở. Xây dựng không phép là hành vi của tổ chức, cá nhân khi khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn. Hành vi này sẽ bị xử lý theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì công trình trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định tại khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Trường hợp chủ công trình cố tình không thi hành sẽ bị áp dụng quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm và quyết định cưỡng chế tháo dỡ, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ sau khi hết thời hạn thông báo.
Mới đây, dư luận TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bất ngờ khi một căn biệt thự “khủng” không phép mọc lên trên diện tích đất hàng trăm m2 ở mặt tiền đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Căn biệt thự xây dựng không phép cao 3 tầng (1 trệt, 2 lầu), rộng hàng trăm mét vuông có hồ bơi, hòn non bộ, sân vườn rộng, gara ôtô... trên đất dự án ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) là của ông Phạm Văn Huyên (49 tuổi, đường Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát).
Năm 2020, ông Huyên đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhưng không được UBND TP Bảo Lộc chấp thuận vì khu đất này nằm trong dự án quy hoạch thu hút đầu tư Khu đô thị dịch vụ giải trí - nghỉ dưỡng của thành phố. Tuy nhiên, dù không được cấp phép nhưng ông Huyên vẫn khởi công xây dựng biệt thự.
Khi người dân bức xúc phản ánh, UBND phường Lộc Phát vào cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (ngày 3/8/2020), diện tích xây dựng không phép đã lên đến 185,8 m2, trên diện tích đất sử dụng 306,2 m2, thuộc 2 thửa đất 21C và 21B tờ bản đồ 27 (F136I). Công trình có kết cấu móng bê tông cốt thép, tường gạch, cột bê tông cốt thép, sàn bê tông cốt thép, đã lợp mái hoàn thành phần thô.
UBND phường Lộc Phát yêu cầu ông Huyên dừng ngay việc thi công công trình. UBND TP Bảo Lộc khi đó đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị tham mưu xử lý vụ việc trên; đồng thời yêu cầu UBND phường Lộc Phát thực hiện biện pháp ngăn chặn xây dựng công trình của ông Huyên. Tuy nhiên, từ một công trình mới xây dựng phần thô (ở thời điểm kiểm tra) thì hiện tại, biệt thự đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cách chức chủ tịch phường để xảy ra xây dựng trái phép tại Đồng Nai
Nguồn: Truyền hình Pháp luật VN.