Thầy H. một bạn đồng nghiệp ở Vũng Tàu gọi điện hỏi thăm: “Tết nơi em được thưởng bao nhiêu?”, người viết trả lời mà không khỏi có chút ngậm ngùi:
“Chẳng có đồng nào anh ạ. Không riêng trường em mà trường ông xã, một trường trung học điểm của thị xã cũng thế. Trường nào hoành tráng lắm được một hai triệu đồng là cao. Bao năm nay vẫn thế nên chẳng trông mong gì”.
Lương tháng 13 đối với giáo viên rất khó để thực hiện. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Có vẻ bất ngờ vì nơi tôi sinh sống và dạy học là thị xã chuẩn bị lên thành phố chứ không phải miền quê hẻo lánh gì cho cam. Thầy giáo đồng nghiệp nói rằng nơi mình được thưởng 30 triệu đồng tiền thưởng tết, nhà 2 vợ chồng cũng được 60 triệu đồng ăn tết.
Khi nghe tôi xuýt xoa vì ngạc nhiên, anh bạn đồng nghiệp nói tiếp: “Trường mình như thế còn ít chứ trường một số đồng nghiệp nơi đây còn thưởng 40 hoặc 50 triệu đồng kia mà”.
Quả là, thầy H. đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tự nhiên ngẫm lại nơi mình không tránh khỏi sự so sánh để rồi chuốc lấy sự buồn phiền, thắc mắc tại sao cũng là giáo viên mà nơi lại có tiền thưởng rủng rỉnh, nơi ước thưởng vài ba trăm ngàn đồng cũng khó?
Để rồi ước ao khi nào mình và nhiều thầy cô giáo khác cũng được hưởng những đặc ân như nhiều bạn đồng nghiệp ở Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh?
Không có quy định lương tháng 13 cho giáo viên
Cho tới thời điểm này vẫn chưa có một quy định nào trả lương tháng 13 cho người lao động đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Bởi thế, chuyện giáo viên không có lương tháng 13 cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, tại sao giáo viên ở địa phương này lại có tiền thưởng Tết mà giáo viên trường khác lại không? Giáo viên nơi này được thưởng nhiều mà giáo viên nơi khác được ít hoặc không có?
Người viết đã từng đặt câu hỏi cho một số hiệu trưởng và kế toán nhà trường. Câu trả lời đó là tiền thu nhập tăng thêm chứ không phải tiền thưởng hay lương tháng 13.
Trường nào có thu nhập tăng thêm nhiều là do nhà trường đó biết thắt chặt các khoản chi tiêu, trường nào trong năm chi nhiều sẽ không còn tiền để chi tăng thêm cho giáo viên.
Tuy thế, chỉ so sánh các trường trong cùng một địa bàn, cùng một tỉnh với nhau mà không thể lấy một trường học ở Vũng Tàu hay Thành phố Hồ Chí Minh để so sánh với trường học tại Bình Thuận hay một số tỉnh thành nào khác.
Bởi có những trường học ở nhiều địa phương khác vẫn thắt chặt chi tiêu nhưng cuối năm cũng không dư được ít triệu để thưởng cho giáo viên dù chỉ là một vài trăm ngàn đồng.
Cũng vì những sự so sánh này, khá nhiều hiệu trưởng bị oan khi một số người cho rằng trường được thưởng nhiều do hiệu trưởng tường minh trong chi tiêu còn trường thưởng ít do có sự nhập nhèm về công quỹ sau đó.
Thực chất lại không phải thế, tất cả là do sự phân bổ ngân sách của từng địa phương. Địa phương có tiềm lực kinh tế lại chi mạnh tay cho giáo dục thì nhà giáo được nhờ.
Địa phương nghèo, ngân sách eo hẹp hoặc nơi giàu nhưng thiếu sự ưu tiên cho giáo dục thì đương nhiên nhà giáo phải chịu thiệt thòi.
Ngân sách chi hoạt động mỗi trường một năm nhận về chưa tới 200 triệu đồng thì lấy đâu dư để chi thu nhập tăng thêm?
Thầy giáo H. ở Vũng Tàu cho biết ở địa phương mình họ cấp kinh phí cho trường dựa trên số lượng giáo viên, số lượng lớp học của trường. Trường nhiều giáo viên, kinh phí rót về trường càng lớn. Ví như trường của thầy H. năm học vừa qua, kinh phí cấp về chia bình quân 1 giáo viên khoảng 38 triệu đồng. Trường có 30 giáo viên sẽ có hơn 1 tỉ đồng để chi hoạt động.
Nói rồi thầy H. cho biết, đầu năm địa phương cấp kinh phí hoạt động cho nhà trường dựa vào số lượng giáo viên mỗi trường. Trường càng nhiều giáo viên thì kinh phí cấp cho hoạt động càng nhiều và ngược lại.
Nếu trong năm, nhà trường chi các hoạt động không hết thì cuối năm, giáo viên sẽ được chi tiền Tết gọi là thu nhập tăng thêm. Số tiền được nhận nhiều hay ít phụ thuộc vào số tiền nhà trường đã chi còn lại bao nhiêu.
Thầy H. khẳng định, với hơn 1 tỉ tiền hoạt động như thế, năm nào giáo viên nơi đây cũng nhận được khoản tiền thu nhập tăng thêm không hề nhỏ.
Ngược lại, nơi địa phương người viết lại có cách cấp ngân sách cho giáo dục khác với nhiều nơi. Họ không căn cứ vào số lượng giáo viên, số học sinh hay số lớp, không căn cứ trường loại I, loại II hay loại III để có những mức cấp kinh phí khác nhau.
Một số kế toán cho biết, năm học 2020-2021, kinh phí cấp đổ đồng trường ít lớp cũng như trường nhiều lớp (có trường 5 lớp bằng trường 25 lớp) ngân sách đều rót về chỉ 180 triệu đồng. Sau khi để lại 10% gọi là tiền tiết kiệm trong dự toán của thị xã không được tiêu thì còn 160 triệu mới được chi các hoạt động trong năm.
Mỗi năm, tỉnh còn thông báo cho mỗi cán bộ công nhân viên toàn tỉnh 1 triệu đồng ăn tết. Nhưng nói là cho thì cũng không có tiền ngân sách cấp về thêm mà các trường học phải trích ra từ số tiền 160 triệu được cấp để dành riêng cho khoản tiền Tết.
Thế là trường càng nhiều giáo viên, số tiền chi cho hoạt động càng bị bớt lại. Ví như trường có 20 giáo viên phải để lại 20 triệu cùng với 10% của 180 triệu thì số tiền hiện còn là 140 triệu đồng.
12 tháng với 140 triệu đồng, bình quân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng phải chi một lô một lốc các khoản mà không có là không thể được.
Nào là tiền điện nước, tiền mạng, trường càng đông học sinh thì tiền điện nước càng nhiều. Mỗi tháng, trường chi ít cũng mất dăm triệu đồng, trường nhiều phải gần chục triệu đồng.
Rồi tiền công tác phí cho kế toán, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên đi tập huấn đặc biệt là tập huấn chương trình mới phải chi cả tiền ăn ở khách sạn, mua tài liệu, tiền tăng giờ cho người dạy thế…
Tiền chi cho các hoạt động của học sinh, mua sắm thêm trang thiết bị, sách báo, sửa chữa nhỏ… những khoản này tốn không hề ít. Ví như dàn máy học vi tính bị hư, điện, nước có vấn đề, bàn ghế bị gãy, bị bong tróc, hệ thống quạt có vấn đề, phòng học, sân vui chơi xuống cấp…
Có hiệu trưởng từng chia sẻ, dù thắt chặt chi tiêu đến mức tối đa thì vẫn không đủ chứ nói gì đến dư mà tăng thêm tăng bớt.
Nếu địa phương đầu tư cho giáo dục thì giáo viên vẫn sẽ có tiền thưởng Tết
Cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên, nếu chi mỗi người thêm 1 tháng lương 13 thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng. Bên cạnh đó, nếu cho giáo viên lương tháng 13 thì nhiều ngành nghề khác cũng phải có. Lúc ấy ngân sách nhà nước sẽ bội chi, không thể gánh nổi.
Cách duy nhất lúc này, từng địa phương chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục, cấp thêm kinh phí cho nhà trường hoạt động.
Ví như trường có 20 giáo viên được cấp khoảng 400 triệu đồng, trường có 30 giáo viên được cấp khoảng 600 triệu đồng thay vì đổ đồng với số tiền vô cùng thấp như địa phương chúng tôi.
Nhà giáo cũng không đòi hỏi phải có tiền thưởng Tết nhiều, cũng chỉ mong ước có thêm dăm triệu đồng để sắm cho con manh áo mới, có chút quà mừng tuổi cha mẹ, con cháu cho thêm phần vui vẻ.
Đừng nên để họ tủi lòng khi những ngành nghề khác Tết đều có thưởng, khi chính đồng nghiệp mình ở những địa phương khác nhận những khoản thưởng Tết đến vài ba chục triệu đồng mà nơi mình đến vài trăm ngàn cũng không có.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.