"Lương năm rồi ít quá. Tiền thưởng chỉ nhận được vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng chắc tôi không đủ tiền về quê", Thu Hà, công nhân dệt may của một doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương thở dài nói.
Chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, một trong những điều mà người lao động xa nhà mong mỏi nhất là được trở về quê sum họp cùng gia đình. Thế nhưng, điều này năm nay lại trở nên khó khăn hơn đối với nhiều công nhân như Hà.
Khoản tiền ý nghĩa
Dù tiền thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp, đối với người lao động, ý nghĩa của khoản tiền thưởng Tết rất lớn. Đặc biệt, với nhiều lao động xa quê, Tết này đến chưa có thưởng, họ không biết lấy gì mua vé về, không biết lấy tiền đâu biếu cha mẹ, con cái....
Nói về chuyện thưởng Tết năm nay, giọng chị Hà chùng xuống: "Tôi được thưởng Tết hơn 6 triệu đồng nhưng công ty lại thông báo chi trả trong 3 đợt. Tức là Tết này tôi chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng thôi. 4 triệu còn lại công ty chia ra làm hai lần, vào tháng 3 và tháng 4".
Với nhiều lao động xa quê, khoản tiền thưởng Tết có ý nghĩa rất lớn. Ảnh: Văn Nguyện. |
“Hơn 2 triệu đồng, tôi không biết chi tiêu gì cho ngày Tết. Mong tiền thưởng để về nhà mua cho con bộ quần áo mới, cho ba mẹ chút tiền, giờ tôi phải trả tiền nhà trọ 1 triệu, còn 1 triệu chắc phải ở lại đây ăn Tết”, phụ nữ 38 tuổi này tâm sự.
Cố gắng làm đến hết năm để nhận thưởng, chị Hà không nghĩ số tiền ít ỏi ấy lại bị chia làm nhiều đợt. "Bây giờ ở cũng không được mà đi cũng không xong. Ở lại thì không có việc làm, tuần làm 3 ngày nghỉ 3 ngày còn đi thì mất trắng 4 triệu tiền thưởng còn lại", chị lo lắng.
Năm hết, Tết đến, mỗi năm chuyện thưởng Tết cao - thấp lại làm những công nhân như Thanh (25 tuổi, Hà Tĩnh) thêm tủi thân, so bì. Do dịch bệnh, Thanh mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Chật vật 3 tháng, cuối cùng cô cũng tìm được một công việc với mức lương cơ bản tại một công ty ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Tiền lương không nhiều, chỉ đủ cho cô trang trải sinh hoạt phí ở thủ đô vốn đắt đỏ.
Thưởng Tết? Cô cũng không mong sẽ được thưởng cao, chỉ cần khoảng 3,4 triệu đủ tiêu. "Nhưng vì là nhân viên chưa có thâm niên, tôi chỉ được nhận một gói quà nhỏ", Thanh trầm giọng.
"Tết năm nay chắc tôi sẽ không về vì về phải chi tiêu rất nhiều khoản, lại thêm bà con ở quê ai cũng hỏi 'làm ở Hà Nội lương cao không, thưởng Tết bao nhiêu?', cứ thấy ai đi làm ở thành phố là nghĩ nhiều tiền khiến tôi rất áp lực", cô gái 25 tuổi tâm sự.
Không chỉ riêng Thanh hay chị Hà, mà còn nhiều người lao động xa quê cảm thấy lo lắng, áp lực mỗi khi năm mới đến. Có rất nhiều hoàn cảnh phải chi tiêu dè dặt từng bữa nên không dám nghĩ đến việc mua sắm gì.
"Không thích Tết vì không có tiền"
Tết là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ nhưng đối với chị Hà, nhân viên của một công ty môi trường ở Hà Nội thì đó là cả một nỗi lo. “Càng lớn càng không thích Tết vì không có tiền lại bao nhiêu thứ phải lo”, chị vừa đẩy xe rác vừa nói.
Điều mà chị Hà cũng như nhiều đồng nghiệp khác của chị mong đợi nhất thời điểm cuối năm là khoản tiền thưởng Tết, vì đó là khoản tiền có thể giúp chị có thể sắm đồ và mua quần áo mới cho con.
"Quanh năm dành dụm, chắt bóp không dám vung tay nhưng ngày Tết thì tiền bao nhiêu cũng không đủ", chị tâm sự. Tết năm nào, chị cũng phải chuẩn bị ít nhất 10 triệu đồng, chưa tính chi phí xe cộ đi lại. Số tiền ấy hầu như đều là tiền thưởng Tết của hai vợ chồng chị, chứ không phải tiền tiết kiệm từ trước.
Làm công nhân chỉ mong cuối năm có đồng tiền thưởng để trang trải, mua sắm Tết cho gia đình. Ảnh: Ngọc An. |
“Nghe thì nhiều, nhưng mua sắm vài thứ cho gia đình, rồi biếu tiền bố mẹ, ông bà nội ngoại, tiền quần áo cho con cái, tiền lì xì… chẳng thấm vào đâu cả. Năm nay thưởng Tết giảm một nửa, không biết lo Tết ra sao”, chị kể.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khoản lương thưởng giảm sút khiến nỗi lo “Tiền đâu sắm Tết” càng trở nên gánh nặng hơn với không ít người. "Không về thì bố mẹ buồn, mình thì cầm lòng được có thể qua Tết về cho giảm bớt chi phí nhưng nhìn con cái ngày Tết không được về quê thì không đành lòng lại phải vay mượn cộng thêm ít tiền thưởng Tết mua vé về quê", chị Hồng (32 tuổi, Nghệ An) chia sẻ.
Tết này, trong không khí nao nức phấn khởi, trước thông tin về các khoản thưởng hàng trăm triệu đồng, vào lúc đáng ra người ta đi mua sắm cây mai, cây đào chuẩn bị cho ngày lễ, thì đâu đó vẫn có những dòng nước mắt gạt vội, những nỗi niềm của những người ăn Tết xa nhà vì không đủ tiền về quê, vì thưởng Tết thấp.