Sáng 10/3, 9 bị cáo vụ vỡ đường ống cấp nước dự án nước sạch sông Đà được nói lời sau cùng. Họ bị truy tố tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 229 Bộ luật hình sự 1999.
Chiều 13/3, toà sẽ tuyên án với các bị cáo.
Bị cáo đồng loạt kêu oan
Được HĐXX cho nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL dự án) bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét công tâm, bởi trong quá trình giám định hậu quả vụ án, đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
"Đây là dự án tâm đắc của bị cáo trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành xây dựng. Mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh và nhân thân các bị cáo", bị cáo 58 tuổi nói và khẳng định bản kết luận giám định còn nhiều nội dung mâu thuẫn khiến các bị cáo vướng vòng lao lý.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải nói lời sau cùng. Ảnh chụp từ màn hình. |
Tiếp đó, trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án) chia sẻ cho đến thời điểm này, các bị cáo đều không rõ vì sao họ vướng lao lý sau sự cố vỡ đường ống nước.
Bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị dự án) bày tỏ quan điểm khi nói lời sau cùng. Bị cáo nói mình "không phục với các kết luận giám định của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra sự cố của dự án" và tiếp tục cho rằng, nếu cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân chính xác thì sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sẽ tiếp tục xảy ra, không thể khắc phục được.
Là người lớn tuổi nhất trong số 9 bị cáo, Nguyễn Biên Hùng (68 tuổi, nguyên Phó trưởng Đoàn tư vấn giám sát) vẫn khẳng định các bị cáo không có tội.
"Tôi cho rằng không có căn cứ buộc tội chúng tôi, bởi chúng tôi không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án", bị cáo Hùng phân trần.
Tranh cãi nguyên nhân vỡ ống dẫn nước
Trước đó, đại diện VKSND Hà Nội đối đáp, khẳng định nguyên nhân các lần vỡ ống cấp nước của dự án (từ lần thứ 11 - lần thứ 18) không phải do tác động của tải trọng bất thường mà do chất lượng ống sản xuất không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn.
Nữ công tố đọc bản cáo buộc, cho rằng sự cố 18 lần vỡ ống cấp nước đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ, Công ty nước sạch sông Đà đã phải chi hơn 16 tỷ đồng để khắc phục. Tại tòa, đại diện công ty khai thác đã không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền này.
"Không yêu cầu bồi thường là quan điểm của công ty khai thác, không có nghĩa là không gây thiệt hại", đại diện VKSND khẳng định.
9 bị cáo liên quan vụ án. Ảnh: H.L. |
Theo công tố viên, quá trình điều tra, C46 Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, đề nghị phối hợp làm rõ nội dung ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh có được sản xuất theo phương pháp áp dụng thành tựu công nghệ mới hay không? Cơ quan chức năng đã hồi đáp, xác định việc sản xuất ống nước không nằm trong danh mục áp dụng thành tựu khoa học.
Trên cơ sở đó, VKS nhận thấy cáo trạng truy tố hành vi của 9 bị cáo là đủ căn cứ, không có cơ sở để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Khi tự bào chữa, các bị cáo đều khẳng định bản kết luận giám định tư pháp về sản phẩm không đạt chuẩn, gây ra sự cố vỡ ống còn nhiều mâu thuẫn. Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc BQL dự án) cho hay trong 10 lần cơ quan giám định khảo sát ống vỡ, có 5 lần thực hiện ở các vị trí cắt ngang đường dân sinh có nhiều xe cộ đi qua, 3 lần khảo sát tại nơi có nền đất không ổn định. Do đó, bản kết luận nguyên nhân sự cố do chất lượng sản xuất ống là không đúng.
“Việc lấy 3 mẫu ống để giám định có đại diện được cho toàn hệ thống ống trước đây không? Cơ quan giám định đã thiếu tính khoa học, tính chuẩn mực trong công tác giám định”, nguyên Phó Giám đốc BQL dự án nói tại bục bị cáo.
Phí khắc phục 16 tỷ so với lợi nhuận đạt 500 tỷ
Trong phần đối đáp, luật sư Lê Đình Ứng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinaconex) cho hay với dự án nước sạch này, lần đầu tiên Vinaconex đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất ống cốt sợi thủy tinh kích thước lớn.
Theo luật sư của Vinaconex, dự án nước sạch đã đạt được hiệu quả lớn. Ảnh: H.N. |
Trong vụ án này, 9 bị cáo cũng lần đầu được tham gia dự án trọng điểm, từ lúc nghiên cứu cho đến khi ứng dụng trên thực tế.
"Vụ án này không có thiệt hại. Số tiền chi phí hơn 16 tỷ đã được dự toán từ trước, đó là chi phí bảo trì", luật sư khẳng định và đề nghị HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, tổng thể, so sánh đối chiếu với giai đoạn trước và sau khi kết thúc dự án.
Cuối phần bào chữa, luật sư Ứng cho biết qua dự án, công ty nước sạch đã thu lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng. Do đó, người bào chữa đề nghị HĐXX coi số tiền đó là chi phí tất yếu trong quá trình vận hành dự án và xem xét đặt chi phí khắc phục trong tổng thể lợi ích về mặt kinh tế mà Vinaconex đã đạt được.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL dự án) và Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 36-42 tháng tù; Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án), Đỗ Đình Tri (nguyên cán bộ công ty giám sát) và Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) mức 30-36 tháng tù; Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị) và Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 24-30 tháng tù.
Hai bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ công ty giám sát) bị đề nghị mức 15-18 tháng tù treo; Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 12-15 tháng tù treo.