Bị cáo Trương Quý Dương bị đề nghị án 2,5 - 3 năm tù. Ảnh Phi Hùng |
Về cáo buộc làm trái quy định khi lập bộ phận này, luật sư cho rằng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện thực nghiệm, có quyền sắp xếp và thực hiện kỹ thuật lọc máu tại cơ sở. Các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai còn khẳng định, kỹ thuật chạy thận đã được triển khai nhiều nơi.
Việc thành lập Đơn nguyên thận không hề vi phạm Thông tư 02/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định 43 của Bộ Y tế như cáo buộc. Trái lại, trên cơ sở tờ trình của Sở Y tế, Bệnh viện Hòa Bình đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo tinh thần của Nghị định 43. Do đó, việc làm của bệnh viện khi thành lập Đơn nguyên lọc máu hoàn toàn có cơ sở.
Về quy kết cho rằng bị cáo Dương thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, luật sư nói điều đó không có căn cứ. Ông lý giải, bệnh viện Hòa Bình có sự phân cấp lãnh đạo. Một mình Trương Quý Dương không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng ban.
"Hàng năm, Sở Y tế 2 lần thanh kiểm tra, đều không có ý kiến nào về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình lọc máu chạy thận tại bệnh viện", luật sư Nam nói và đánh giá, nguyên nhân gây ra sự cố y khoa làm chết 9 người là do lỗi cẩu thả. Thân chủ của ông phải chịu trách nhiệm do hành vi cẩu thả của người khác. Do đó, VKS đề nghị bị cáo Dương mức án 30 - 36 tháng tù là khó chấp nhận.
VKS đề nghị 7 bị cáo các mức án:
Tội "Vô ý làm chết người"
Bị cáo Hoàng Công Lương, VKS đề nghị mức án 3 năm - 3,5 năm tù
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, VKS đề nghị mức án 4 năm - 5 năm tù
Tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"
Bị cáo Trương Quý Dương, VKS đề nghị mức án 2,5 năm - 3 năm tù
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu, bị cáo Trần Văn Thắng, cùng bị VKS đề nghị mức án 3 năm - 3,5 năm tù
Bị cáo Trần Văn Sơn, VKS đề nghị mức án 3,5 năm - 4 năm tù
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, VKS đề nghị mức án 3 năm - 3,5 năm tù