40 tuổi, chưa hết đớn đau vì bị xâm hại tình dục hồi bé
Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trung bình 8h tại Việt Nam lại có thêm một trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Nhưng đó chỉ mới là những con số "biết nói", đáng sợ không kém là những con số "chìm trong im lặng".
Trao đổi tại chuyên đề "Xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục" mới đây, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TPHCM) cho biết còn nhiều trường hợp vô cùng đau lòng khi trẻ bị XHTD bị chìm trong im lặng.
Có em bị xâm hại bởi anh họ bên nội ngoại và bị cả người thuê nhà xâm hại tình dục. Em giữ kín ký ức đau lòng ấy cho đến một ngày lấy hết dũng khí để kể với mẹ, chỉ đích danh những người kia. Nhưng điều mẹ em dặn lúc đó là: "Con im lặng, không được kể với ai".
|
Các diễn giả chia sẻ nhiều câu chuyện đau lòng sau "sự im lặng" của nạn xâm hại tình dục (Ảnh: Hoài Nam). |
Có trường hợp, anh trai xâm hại em gái ruột trong một thời gian dài nhưng bố mẹ không hề hay biết. Sau này khi lớn lên, em bước vào những mối quan hệ tình cảm, gặp sang chấn tâm lý đi tham vấn tâm lý mới lần đầu dám kể ra bí mật tuổi thơ kinh hoàng.
Một lần bà đến Bình Dương nói chuyện chuyên đề, một bạn đã đến sau cánh gà khóc kể chuyện bị chú thuê nhà xâm hại. Chưa hết, bạn đó còn thấy người này xâm hại em gái mình. Nhưng khi em nói, bố mẹ em không tin và vẫn nói "chú ấy tử tế vậy mà".
Có nạn nhân đã 40 tuổi, một lần nghe bà Thúy livestream về chủ đề này đã chạy vào nhà vệ sinh khóc nức nở. Sau đó, chị gọi điện cho bà Thúy giữa đêm kể về câu chuyện bị xâm hại hồi bé "mang bí mật đau thương đó trong lòng, như hòn đá đeo trên ngực hàng chục năm".
"Người ta không chỉ giấu trong một thời điểm, một vài năm mà hàng chục năm. Trường hợp tôi tư vấn và qua các đồng nghiệp chia sẻ, các ca giấu khi bị xâm hại tình dục rất lớn, số lượng công khai tố cáo kiên quyết đòi công lý cho trẻ rất ít", bà Thúy cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, người Á Đông mang nhiều mặc cảm khi đề cập đến vấn đề này. Họ cho rằng mình bị mất giá trị, xấu xa, không xứng đáng... Nhiều người không nghĩ mình là nạn nhân, mà cho là mình có lỗi, mình đáng bị như vậy.
Bịt miệng trẻ, nỗi đau chồng nỗi đau
Quá trình tiếp cận hỗ trợ gia đình nạn nhân và nạn nhân của XHTD, luật sư Lê Ngọc Luân đã gặp nhiều bậc phụ huynh có tâm lý e ngại, muốn giấu giếm, không tố cáo sự việc. Nhưng việc che dấu này liệu có an toàn cho đứa trẻ hay không theo luật sư Luân là điều vô cùng khó thay đổi trong tư tưởng ở bố mẹ.
Không chỉ kẻ xâm hại đe dọa các em không được nói với ai, mà đau lòng hơn, có khi chính bố mẹ, người thân xung quanh lại một lần nữa đưa tay bịt miệng các em. Điều này đẩy các em vào thế bị quay lưng, bị phủ nhận nỗi đau.
TS Phạm Thị Thúy cho hay, nhiều bố mẹ ngại, xấu hổ không dám tố cáo kẻ XHTD vì muốn giữ thể diện cho trẻ, cho gia đình. Điều này tưởng tốt cho trẻ nhưng thật ra một lần nữa mang thêm nỗi đau cho trẻ.
Nhà xã hội học này nhắc lại trường hợp đau lòng ở Cà Mau, bé H.M.K, 13 tuổi bị xâm hại tình dục uất ức để lại thư tuyệt mệnh khi kẻ xâm hại không bị trừng trị.
Trong khi, trẻ bị XHTD vô cùng tổn thương và căm hận kẻ xâm hại, mong kẻ đó phải bị trừng trị. Trẻ sẽ mang mặc cảm tội lỗi kéo dài, quay sang đổ lỗi cho bản thân hoặc ôm hận suốt đời khi kẻ ác không bị trừng trị.
|
Không chỉ kẻ xâm hại, có khi chính bố mẹ, người lớn xung quanh lại một lần nữa đưa tay bịt miệng các em (Ảnh minh họa). |
"Chỉ khi dũng cảm đưa sự việc ra ánh sáng, nạn nhân được bảo vệ, kẻ ác bị trừng trị thì trẻ mới được giải tỏa tâm lý phần nào. Đây cũng là yếu tố quan trọng cho hành trình chữa lành", bà Thúy nói.
Hơn nữa, bà Thúy nhấn mạnh, XHTD là một dạng tội rất là nghiêm trọng. Kẻ xâm hại phải bị xử lý thích đáng để phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chúng sẽ tiếp tục xâm hại đứa trẻ nhiều lần, xâm hại nhiều trẻ khác.
Theo Luật sư Lê Ngọc Luân, với nạn XHTD quan trọng nhất là phòng ngừa, vấn đề này cần được tuyên truyền thường xuyên, đưa vào đời sống, học tập hàng. Bảo vệ trẻ em không thể cứ có vụ việc nào đó chấn động dư luận, sôi sục rồi vài ba hôm lại chìm xuống.
Còn khi không may xảy ra , chúng ta cần nắm được cách thức, các bước đưa vụ việc XHTD ra pháp luật, đảm bảo được quy trình, chứng cứ và đặc biệt là cả bảo vệ về mặt tinh thần, tâm lý cho trẻ bị xâm hại.