Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng vừa ký văn bản giao Công an tỉnh Bến Tre rà soát nắm rõ sự việc phương tiện cố tình gây cản trở giao thông qua trạm thu phí cầu Rạch Miễu.
Trước đó, khoảng 14:51 ngày 11/2, chiếc xe 7 chỗ biển số 60A chạy vào làn số 4 của trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu, sử dụng nhiều tờ tiền trong đó có 1 tờ 500 đồng và 3 tờ 200 đồng để yêu cầu trả lại đúng 100 đồng.
Khi nhân viên trả lời không có tờ 100 đồng và đề nghị trả lại tờ 200 đồng thì tài xế không đồng ý. 2 bên sau đó không tìm được tiếng nói chung nên phía trạm BOT cầu Rạch Miễu gọi cảnh sát giao thông đến giải quyết. Sau khi lực lượng cảnh sát giao thông tới thì chiếc xe đã nhanh chóng rời khỏi trạm.
Dự án BOT cầu Rạch Miễu được khởi công ngày 30/4/2002 nhưng chính thức thi công vào tháng 7/2004. Công trình thông xe kỹ thuật ngày 20/8/2008 và bắt đầu thu phí vào ngày 2/4/2009.
Cơ cấu liên danh đầu tư dự án BOT Cầu Rạch Miễu liên tục biến động các năm qua |
Tổng mức đầu tư của dự án được duyệt đến thời điểm 18/12/2009 là 1.305 tỷ đồng, trong đó phần vốn Ngân sách Nhà nước là 792 tỷ đồng, chiếm 60,72% và phần vốn BOT 39,28%, tương đương 512 tỷ đồng, bao gồm vốn của nhà đầu tư 153,7 tỷ đồng và vốn vay từ BIDV 358,7 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án, liên danh nhà đầu tư bao gồm Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco6) và Công ty CP Đầu tư 577 (thành viên Cienco5) thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, với vốn điều lệ 460 tỷ đồng.
Tuy nhiên vốn thực góp tới cuối năm 2013 chỉ là 161 tỷ đồng, trong đó Cienco1 là công ty mẹ, sở hữu 51% vốn. Cienco6 và Đầu tư 577 nắm lần lượt 24% và 25%.
Với lưu lượng giao thông rất lớn, là con đường huyết mạch nối các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh... với TP. HCM, cầu Rạch Miễu được đánh giá là 'con gà đẻ trứng vàng' với các nhà đầu tư.
Doanh thu của trạm BOT hoàn vốn cho dự án tăng nhanh qua các năm, từ 69,6 tỷ đồng năm 2010 lên 84,8 tỷ đồng năm 2013. Lỗ sau thuế giảm từ 23,4 tỷ đồng về 6,5 tỷ đồng trong khoảng thời gian trên.
Với tỷ suất lợi nhuận gộp xấp xỉ 40%, BOT cầu Rạch Miễu được kỳ vọng sẽ lãi lớn khi khấu hao và chi phí lãi vay giảm dần.
Năm 2014, cả 3 ông lớn Cienco của Bộ GTVT bất ngờ rút lui, cơ cấu cổ đông của BOT cầu Rạch Miễu có sự thay đổi lớn. Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An thế chân Cienco1 nắm 51% cổ phần; 49% còn lại thuộc về Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã chứng khoán: CII).
Vào giữa năm 2016, CII chuyển giao phần vốn góp tại dự án cầu Rạch Miễu cho công ty con là Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (Mã chứng khoán: LGC). LGC đồng thời mua thêm 2% dự án từ Thương mại Nước giải khát Khánh An để nắm tỷ lệ chi phối (51%).
CII là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực cầu đường ở Việt Nam, với loạt dự án quy mô lớn như Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2, BOT Ninh Thuận... Kể từ năm 2014 đến nay, CII liên tục thâu tóm cổ phần của Đầu tư 577 (cổ đông sáng lập của BOT Cầu Rạch Miễu), đẩy tỷ lệ sở hữu từ trên dưới 2% lên 34% hiện nay.
Tương tự, Thương mại Nước giải khát Khánh An (thành lập năm 2010) là cổ đông lớn của Cienco1 từ cuối năm 2015 sau khi nhận chuyển nhượng 7% vốn cựu thành viên Bộ GTVT từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - cái tên 'máu mặt' trong lĩnh vực BOT và đã từng được đề cập.
Dù có tên là 'nước giải khát', song Khánh An chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực BOT và đầu tư vào các doanh nghiệp xây dựng. Pháp nhân này đang là cổ đông lớn của Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (UpCOM: IME), sở hữu gần 5% cổ phần Công ty CP Tổng công ty Công trình Đường sắt (UpCOM: RCC) và từng đề nghị được mua chỉ định toàn bộ phần vốn nhà nước (48,05%) tại RCC.
Vào giữa năm 2017, Khánh An có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập là Lê Thị Hoa, Đinh Ngọc Hùng (cùng trú tại Khánh An, Yên Khánh, Ninh Bình) và Lê Thị Thảo đã đồng loạt rút vốn khỏi doanh nghiệp này vào ngày 15/8/2017.
Hiện nay, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, công ty liên danh giữa CII và Khánh An đang tiếp tục triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng và Xây dựng Quốc lộ 60 với tổng mức đầu tư 1.752 tỷ đồng.