Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, theo phong tục tín ngưỡng lâu đời, người Việt Nam thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Không phải ngẫu nhiên, mỗi dịp Tết người ta truyền tụng câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, PV Kiến Thức đã tìm về xã Thanh Cường (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) – nơi nhiều người dân còn giữ phong tục dựng câu nêu ngày Tết.
Cây nêu mà người dân ở xã Thanh Cường rất đặc biệt so với cây nêu tại các địa phương khác, bởi trên ngọn cây đều được treo cờ tổ quốc đề mừng năm mới.
Theo người dân ở xã Thanh Cường, việc treo cờ tổ quốc trên thân cây nêu vừa thể hiện tình yêu quê hương, yêu tổ quốc đồng thời cũng tạo nên sự ấm áp những ngày đầu xuân.
Lá cờ Tổ quốc được treo trên ngọn cây nêu. |
“Treo cờ tổ quốc đầu năm mới để mọi người nhìn thấy lá cờ đỏ, sao vàng sẽ cảm thấy ấm ấp, thêm tự hào dân tộc bên cạnh những phong tục tập quán dựng cây nêu vốn là truyền thống của người dân địa phương được lưu giữ qua nhiều thế hệ”, một người dân thôn Hạ Trường cho biết.
Những ngày Tết Kỷ Hợi, đứng trên cao nhìn xuống cả vùng trời xã Thanh Cường đỏ rực với hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Có mặt tại nhà ông Lê Đình Toàn (57 tuổi, ngụ thôn Hạ Trường, xã Thanh Cường) khi nhà ông đã tất bật công đoạn dựng cây nêu đón Tết.
Ông Toàn dựng câu nêu. |
Cây nêu nhà ông Toàn được dựng lên từ thân một cây tre dài khoảng hơn 4 mét và vẫn còn nguyên ngọn tre với những cành lá. Xung quanh thân tre, ông Toàn quấn thêm hệ thống đèn Led để chiếu sáng về đêm. Đáng chú ý, trên ngọn cây tre treo một lá cờ tổ quốc rất mới. Khi vừa dựng cây nêu lên, lá cờ gặp gió tung bay phấp phới.
Nói về việc dựng cây nêu, ông Toàn cho biết đó là phong tục tập quán của địa phương được truyền qua nhiều thế hệ. Cứ dịp Tết đến xuân về, không ai nói với ai nhưng nhà nhà đều dựng cây nêu với lá cờ đỏ tổ quốc ở trên ngọn.
“Ngày xưa ông bà ta chả có câu thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh mới ra ngày tết còn gì”, ông Toàn vừa nói vừa ngắm cây nêu vừa dựng xong và tỏ vẻ mãn nguyện.
Kể lại phong tục trồng cây nêu ở địa phương, ông Toàn nhớ lại: “Ngày xưa có tục dựng cây nêu thường buộc lên ngọn một cái liềm, một cái đèn dầu hoặc đèn bão. Bây giờ thì treo cờ Tổ quốc, đèn nháy cho đẹp. Ý nghĩa cây nêu thì vẫn là xua đuổi cái xấu, cái không may, tiễn năm cũ, đón năm mới về với nhiều điều tốt đẹp. Riêng lá cờ là để tượng trưng cho Tổ quốc luôn ở trên cao nhất”. Ông Toàn cho biết thêm, cây nêu đẹp phải là tre tươi, thẳng, trên ngọn có nhiều tán thì mới tốt đẹp.
Lá cờ tổ quốc được treo trang trọng trên ngọn cây nêu. |
Cũng theo lời ông Toàn, cứ đến dịp ông Công, ông Táo là người dân Thanh Cường bắt đầu dựng cây nêu. Để dựng được cây nêu ứng ý, nhiều nhà đã lặn lội đi tìm cây tre. Nhưng thời gian gần đây do tất bật trong cuộc sống, thay vì tự đi tìm tre, nhiều người tìm mua những cây tre thẳng tắp để dựng nêu.
“Thế mà, thương lái cũng nắm bắt nhu cầu của người dân nhanh lắm nên họ đã mang cây tre về đây bán như mang lá dong, cây mai về bán dịp tết đến vậy. Giá mỗi cây tre khoảng 50.000 đồng. Nhưng người dân cũng nhàn đi khi chỉ cần đi vài bước chân là có thể chọn cây tre ưng ý để dựng nêu. Với những cây tre không có ngọn, người dân thường buộc thêm lá dương xỉ lên ngọn cây nêu”, ông Toàn nói.
Theo phong tục tập quán, người dân địa phương dựng cây nêu sau khi cúng ông Công, ông Táo và hạ cây nêu ngay sau khi hóa vàng sau Tết.
“Dựng cây nêu lên để báo hiệu ngày Tết đến, con cái ở xa về sum vầy. Hạ cây nêu xuống là hết Tết” ông Toàn cho biết.
Và tung bay phấp phới khi cây nêu được dựng lên. |
Do là truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ, nên những người dân nơi đây kể cả lãnh đạo UBND xã Thanh Cương đều không biết có tự bao giờ và ai là người khởi sướng treo cờ Tổ quốc lên ngọn cây nêu.
Theo trí nhớ của ông Vũ Hữu Giáp (73 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Xá, xã Thanh Cường, Hội trưởng Hội người cao tuổi xã Thanh Cường nhớ mang máng, việc treo cờ Tổ quốc lên cây nêu có từ năm 1954.
“Truyền thống dựng cây nêu ngày Tết thì có lâu rồi, hồi tôi còn nhỏ cũng có thấy làm. Sau khi Hải Phòng giải phóng thì có thêm lá cờ, khoảng 10 năm gần đây thì nhà nào cũng treo cờ lên cây nêu. Không biết là ai treo đầu tiên nhưng tôi thấy đẹp và ý nghĩa. Bản thân nhà tôi cũng dựng cây nêu nhiều năm rồi”, ông Vũ Hữu Giáp cho biết.
Ông Lê Công Bồng, Trưởng ban văn hóa xã Thanh Cường cho biết việc dựng cây nêu là một truyền thống có tính “tự phát trong dân”. “Tự phát ở đây có nghĩa là đây không phải phong trào, phong tục do chính quyền địa phương hay hội nào phát động mà đã có và duy trì từ xưa. Cây nêu thể hiện sự đầm ấm của ngày xuân. Việc treo cờ là thể hiện tình yêu nước” ông Bồng nhận định. Bên cạnh đó, ông Trưởng ban văn hóa cho biết vào dịp tết, xã có vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc, có thể người dân đã gộp chung việc treo cờ và dựng cây nêu thành một.
Khi PV rời xã Thanh Cường, trên vùng trời của xã hàng trăm lá cờ trên ngọn cây nêu phấp phới tung bay thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và sự kỳ vọng một năm mới ấm no hạnh phúc, nhiều may mắn của người dân địa phương.