Trước khi nhập viện hai ngày, ông P.Q.G, (78 tuổi, ở Hà Nội) có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chán ăn và đi ngoài phân lỏng. Ngày hôm sau, cơ thể xuất hiện ban đỏ tại một vài điểm, nhưng chỉ trong vòng một ngày, ban đỏ lan rộng toàn thân với tốc độ nhanh chóng, kèm theo ngứa ngáy dữ dội, sốt, suy giảm ý thức và xuất hiện loét do gãi.
Khi ông bắt đầu sốt cao, suy giảm ý thức, ban đỏ dày đặc toàn thân, ngứa ngáy. Ông được người nhà đưa vào cơ sở y tế và được chẩn đoán: theo dõi phản vệ nghi do dị ứng thuốc, theo dõi nhiễm khuẩn huyết, suy gan và suy thận cấp.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được tiếp nhận và điều trị tích cực tại Khoa Nội Tổng hợp.
Bệnh nhân dị ứng toàn thân do thuốc - Ảnh BVCC |
Sau gần một tháng điều trị liên tục và nghiêm ngặt, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện đã dần ổn định. Các nốt dị ứng đã giảm bớt, ông đã qua giai đoạn nguy hiểm.
Người nhà bệnh nhân cho biết: “Ông mắc nhiều bệnh nền, vì thế hàng ngày ông sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau”.
TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Qua khai thác bệnh sử chúng tôi được biết bệnh nhân có tiền sử bệnh lý rất phức tạp, bao gồm suy đa tạng, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và gút mạn tính.
Những bệnh nền này đã làm tăng nguy cơ phản ứng phụ khi sử dụng thuốc điều trị. Trường hợp của bệnh nhân là một minh chứng rõ ràng về dị ứng thuốc điều trị các bệnh mãn tính ở những bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền.
Thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, TS.BS Trần Thị Hải Ninh khuyến cáo: “Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc mới hoặc không rõ nguồn gốc.
Đối với những người cao tuổi có nhiều bệnh nền thì việc thăm khám định kỳ là rất cần thiết để phát hiện sớm và quản lý kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn. Qua đó cũng giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh để điều chỉnh liệu pháp điều trị nếu cần và phòng ngừa các biến chứng có thể xẩy ra”.