Dù đã điều trị gần 1 tháng, bé gái uống nhầm axit từ người bán hàng trước cổng trường đưa tại Quảng Ninh, vẫn trong tình trạng sức khỏe rất yếu: bị viêm phúc mạc, tiên lượng xa là hẹp môn vị dạ dày, không ăn uống được đường miệng.
Bé gái uống nhầm axit do người bán hàng đưa. |
Người bán hàng cho hay, vì con trai làm nghề sửa chữa máy nổ, máy bơm nên tích trữ axit sulfuric (loại rửa ắc quy) trong chai nước suối để ở trong nhà. Trong quá trình bán hàng cho học sinh, chủ quán đã lấy nhầm chai axit dẫn đến trường hợp bé gái uống nhầm dung dịch axit thay vì nước uống.
Theo bác sĩ Đặng Thúy Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, vùng miệng của bệnh nhi bị tổn thương khá nặng, không thể ăn uống như bình thường, các bác sĩ phải đặt đường truyền nuôi dưỡng kết hợp tiêm kháng sinh.
Vị bác sĩ cũng cho hay, uống nhầm axit là một trong những tai nạn sinh hoạt để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, tác nhân gây bỏng là axit sunfuric (H2SO4). Do tính chất oxy hóa mạnh, khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, tình trạng nhầm lẫn này không phải cố tình nhưng lại là hành động vô ý thức của người lớn dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề đối với trẻ nhỏ.
Đối với các chất độc hại, tuyệt đối không được đựng trong các dụng cụ thực phẩm. Nếu đựng cần bóc hết các tem nhãn cũ và dán nhãn đặc biệt vào nhằm tránh nhầm lẫn dưới bất kỳ trường hợp nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trong trường hợp này, cần thiết phải xử lý thật nặng cũng như phạt hành chính, bắt đền bù ở mức cao nhất nhằm răn đe và đảm bảo trách nhiệm xã hội với người bán hàng cũng như gia đình người này.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có nhiều hơn các hoạt động kiểm tra các cửa hàng bán thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là trước các cổng trường. Hiện nay, việc kiểm tra gần như không có, hoàn toàn phó mặc cho ý thức của người bán hàng, vì thế tình trạng ngộ độc, uống phải axit như trên đã diễn ra.
Còn luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TPHCM cho hay), dựa vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi bán “nhầm” dung dịch axit, trong trường hợp các cơ quan chức năng xác định việc bán nhầm axit này cho người dùng không phải lỗi cố ý mà là do bất cẩn và vô ý, và tùy vào mức độ thương tích của nạn nhân, người bán có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự và chịu phạt tiền lên đến 20 triệu đồng, hoặc phạt tù lên đến 5 năm tù giam (trong trường hợp gây ra hậu quả chết người) theo Điều 128 “Tội vô ý làm chết người” hoặc Điều 138 “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Luật sư Trần Minh Cường. |
Luật sư cũng dẫn về Luật Hóa chất 2007, quy định việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán; trong đó gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.
Trong khi đó, Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương quy định rõ, những axit đậm đặc như H2SO4 hay HCL (khí axit biển) nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo, việc mua bán phải có phiếu kiểm soát.
“Mặc dù pháp luật đã có những quy định chặt chẽ đối với việc mua bán hóa chất độc nói chung và axit nói riêng, song quá trình thực thi, kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương chưa tốt. Trong khi đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng vi phạm quy định về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc vẫn còn thấp chỉ từ 500.000 đồng -2 triệu đồng, không đủ sức răn đe nên trong vụ việc này các cơ quan cần xem xét để tránh ảnh hưởng sau này” – luật sư Trần Minh Cường nói.